Ngành thuỷ sản cuối năm còn nhiều biến động
Mặc dù có ghi nhận mức tăng trưởng nhưng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, ngành tôm của Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề về nguồn cung nguyên liệu, cước phí vận chuyển, giá thành sản xuất tăng cao trong khi nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường lớn như Mỹ, EU chững lại trong bối cảnh lạm phát, kinh tế sụt giảm.
Thị trường nổi sóng
TS Hồ Quốc Lực – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP thực phẩm Sao Ta – cho biết, hiện Hoa Kỳ đang là thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất thế giới. Sản phẩm của Việt Nam trong mấy năm gần đây phải cạnh tranh rất vất vả với hàng giá rẻ từ Ấn Độ và Indonesia mà nhất là Ecuador. Đặc biệt trong năm nay chi phí vận chuyển hàng từ Việt Nam sang Hoa Kỳ đã chạm mức 4.000 – 5.000USD/container (40 feet) tăng thêm 4 – 5 lần.
Tại thị trường Hoa Kỳ, theo ông Hồ Quốc Lực, sản phẩm tôm Việt Nam phần đang lớn nằm ở phân khúc hàng giá trị gia tăng nên chỉ chiếm khoảng 10% thị phần. Trong khi đó Ấn Độ và Indonesia chiếm khoảng 20% mỗi nước, còn Ecuador chiếm tới 40% thị phần tôm tại Hoa Kỳ. Ecuador gần Hoa Kỳ nên có lợi thế cạnh tranh hơn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, xuất khẩu cá tra tuy vẫn giữ được phong độ ổn định với kim ngạch trên 187 triệu USD. Mặc dù giá xuất khẩu trung bình cá tra sang các thị trường đã giảm nhẹ so với những tháng trước nhưng cá tra vẫn là sự lựa chọn của nhiều thị trường trong bối cảnh lạm phát kỷ lục ở nhiều nước.
Đề cập đến vấn đề này, ông Lê Văn Quang – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú – nhận định hiện chi phí sản xuất nguyên liệu của Việt Nam đang quá cao. So với Ấn Độ và Indonesia cao hơn khoảng 30%, so với Ecuador cao hơn từ 2,5 – 3 lần do sản xuất manh mún, tự phát và chạy theo các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, khép kín… Để tránh sớm bị vượt mặt trong lĩnh vực này, Việt Nam cần đầu tư ngược lại vào khâu nuôi để giảm giá thành, duy trì sức cạnh tranh cao trên thị trường.
Có tăng trưởng nhưng vẫn thấp thỏm
Theo VASEP, trong 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra sang tất cả các thị trường đều giữ được tăng trưởng 2-3 con số. Lũy kế 8 tháng, xuất khẩu cá tra đạt gần 1,8 tỉ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ đạt trên 1,6 tỉ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 60%, sang EU tăng 95%, sang Hàn Quốc tăng 79%… so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác, do tăng trưởng không đồng đều nên ngành xuất khẩu tôm đang có chiều hướng tụt dốc nhiều nhất trong các sản phẩm thủy sản. Từ mức cao đỉnh điểm 456 triệu USD hồi tháng 5, tới tháng 8 thì xuất khẩu tôm hạ xuống còn 356 triệu USD, cao hơn 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
VASEP đánh giá, do sản xuất thuỷ sản, ngành tôm gặp khó khăn vì các chi phí đầu vào cao và thời tiết bất lợi, trong khi nhu cầu của các thị trường chính chững lại khi lượng tồn kho tăng. Các yếu tố này cùng với tác động của lạm phát khiến cho xuất khẩu thuỷ sản một số ngành sang Hoa Kỳ và Trung Quốc đang có chiều hướng sụt giảm.
Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, với nhiều lý do từ “tắc cảng” do đại dịch COVID-19, giá nhiên liệu, việc đặt container vốn đã khó khăn thì giá cước ở hầu hết các chặng tăng 4 – 5 lần. Giá cước vận tải biển dù đã giảm một chút, nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng, để xuất được một container (cont) 40 feet qua bờ Đông Hoa Kỳ (Florida) thì giá cước đã khoảng 16.400 USD/cont, tính cả chi phí vận chuyển đường bộ từ nhà máy tại các tỉnh tới TP.Hồ Chí Minh (chiếm hơn 60%), thì trung bình 400 – 410 triệu đồng/cont. Chưa kể đến việc nguồn nguyên liệu trong nước có thời điểm bị giảm mạnh nên các nhà máy chế biến hải sản cũng gặp khó khăn, buộc họ phải tăng nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài.