Phòng, tránh ngộ độc thực phẩm trong mùa hè
(HNM) – Vào mùa hè, nguy cơ ngộ độc thực phẩm cấp tính tăng gấp nhiều lần so với các mùa khác trong năm. Do thời tiết của mùa hè là nóng ẩm, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi sinh vật, làm thức ăn dễ ôi thiu. Thêm vào đó, việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh đang trở thành nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cộng đồng.
“Thực hành đúng” về an toàn thực phẩm còn hạn chế
Theo Tổng cục Thống kê, tháng 4-2018, trên cả nước đã có 20 người bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có 3 người tử vong. Trong 4 tháng đầu năm nay, cả nước có 522 người bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có 6 người tử vong.
Đặc biệt riêng tháng 3-2018 đã xảy ra 12 vụ ngộ độc thực phẩm, khiến 216 người phải nhập viện, 3 người tử vong. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm được xác định chủ yếu do độc tố tự nhiên, vi sinh vật, hóa chất và một số vụ chưa xác định được nguyên nhân.
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo, với thời tiết nóng ẩm của mùa hè, thực phẩm rất dễ ôi thiu. Khi chế biến thức ăn không gia nhiệt kỹ, nấu xong không ăn ngay hoặc không đun lại sau khi bảo quản thức ăn quá 2 tiếng đồng hồ… sẽ dẫn tới nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao.
Bên cạnh đó, mùa hè cũng làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác thải, nước thải và sự phát triển mạnh của côn trùng truyền bệnh như: Ruồi, nhặng, gián, muỗi… Với những cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, nếu không tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn trong chế biến thực phẩm dễ dẫn đến nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm.
Theo kết quả điều tra của Cục An toàn thực phẩm, kiến thức của các nhóm đối tượng người sản xuất, kinh doanh, chế biến và người tiêu dùng thực phẩm đang được nâng cao đáng kể, song “thực hành đúng” về an toàn thực phẩm còn hạn chế.
Thói quen “đơn giản” trong việc lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, biện pháp chế biến, che đậy, bảo quản thực phẩm sau chế biến… tại các đám cưới, giỗ; không tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể; kinh doanh thức ăn đường phố ở địa điểm ô nhiễm; sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, nguyên liệu thực phẩm bị ô nhiễm… sẽ làm gia tăng nguy cơ ngộ độc, bệnh truyền qua thực phẩm và các sự cố ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong cũng lưu ý, nhiều bà nội trợ coi chiếc tủ lạnh như “bảo bối” để tích trữ thực phẩm trong mùa hè. Tuy nhiên, đối với việc bảo quản thực phẩm bằng tủ lạnh phải chú ý cả hai mặt lợi và hại. Bởi lẽ, tủ lạnh chỉ có tác dụng làm chậm sự biến chất của thực phẩm; hạn chế sự sinh sôi và phát triển của vi sinh vật do cơ chế giảm nhiệt độ và độ ẩm.
Thế nhưng, nếu đưa quá nhiều thực phẩm vào tủ lạnh, không khí lạnh không lưu thông được, nhiệt độ ngăn mát, ngăn đá không bảo đảm và thực phẩm không vệ sinh, sơ chế trước khi bảo quản trong tủ lạnh; thực phẩm sống để lẫn thức ăn chín… cũng làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm thực phẩm.
Tuân thủ 10 nguyên tắc “vàng”
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong mùa hè, ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội khuyến cáo, người dân cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở các cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm và nên tuân thủ việc “ăn chín, uống sôi”.
Điều quan trọng để phòng, chống ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm là người tiêu dùng cần nắm được những kiến thức cơ bản, trách nhiệm trong bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống.
Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải có trách nhiệm, đạo đức cao trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm để góp phần phòng, tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng.
Cục An toàn thực phẩm đã đưa ra 10 nguyên tắc “vàng” về bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Đó là, chọn thực phẩm an toàn; nấu kỹ thức ăn; ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín; bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín; đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn; không để lẫn thực phẩm sống và chín; luôn giữ bàn tay chế biến thực phẩm sạch sẽ; giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, dụng cụ chế biến sạch sẽ; bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác; sử dụng nguồn nước sạch…
Cũng theo ông Trần Ngọc Tụ, khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm phải đình chỉ việc sử dụng và niêm phong toàn bộ thức ăn đó lại (kể cả chất nôn, phân, nước tiểu…) để xác minh; đồng thời báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất đến xử trí kịp thời và đưa người bị ngộ độc đi bệnh viện.
Bên cạnh đó, cần vệ sinh, tẩy uế khu vực có chất nôn, phân, nước tiểu của người bị ngộ độc thực phẩm và thực hiện chế độ cách ly nghiêm ngặt, đề phòng sự lây lan của dịch bệnh. Thực hiện các biện pháp diệt ruồi, nhặng, gián, chuột… và các hướng dẫn vệ sinh phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của ngành Y tế.