Bộ Công Thương còn nhiều việc cần tập trung giải quyết trong năm tới
Được đánh giá là một Bộ có nhiều bước chuyển biến nhất trong năm 2017 với nhiều thành tích song Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh vẫn còn rất nhiều trăn trở trong năm mới 2018.
Gặp Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh trong một chiều cuối năm tất bật, phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã được nghe người đứng đầu ngành công thương chia sẻ về về những thách thức và nhiệm vụ, những “trăn trở” về ngành mà ông vẫn đang đau đáu…
– Thưa Bộ trưởng, năm 2017, Bộ Công Thương đã có những bước chuyển biến đáng ghi nhận gì? Với trọng trách là người đứng đầu, kết quả đạt được nào của Bộ trong năm qua khiến ông tâm đắc nhất?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Năm 2017, ngành công thương đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế chung của đất nước.
Có thể kể đến như: Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, năm 2017 lần đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam đã vượt mốc 200 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 420 tỷ USD. Tính chung cả năm, xuất khẩu cả nước ước đạt gần 214 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm 2016, vượt xa chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ về những khó khăn, thách thức và nhiệm vụ trong năm mới. Ảnh: VGP/Phan Trang |
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu đã tạo thặng dư thương mại ở mức gần 2,7 tỷ USD, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán và ổn định các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô trong nước, đồng thời, bảo đảm kiểm soát tốt cơ cấu nhập khẩu theo hướng tập trung vào nhóm hàng hóa cần nhập khẩu, hàng hóa phục vụ sản xuất trong nước
Về cơ cấu lại tổ chức, Bộ Công Thương là một trong những Bộ đi đầu trong việc thực hiện tinh giản mạnh mẽ cơ cấu tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 39/NQ-TW ngày 17/4/2015 của Ban Chấp hành Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Số lượng các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã giảm từ 35 đơn vị xuống còn 30 đơn vị, trong đó có 26 đơn vị hành chính và 4 đơn vị sự nghiệp công lập.
Đặc biệt về cải cách thủ tục hành chính, năm 2017 Bộ Công Thương là cơ quan đi đầu cả nước về cắt giảm điều kiện kinh doanh với 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được cắt giảm, chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh. Tính đến hết năm 2017, Bộ Công Thương đã cắt giảm và đơn giản hóa 183 thủ tục hành chính trong tổng số 443 thủ tục hành chính của Bộ.
Bộ Công Thương đã triển khai một cách triệt để và mạnh mẽ hơn trong đổi mới phương thức quản lý, chuyển từ tư duy quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo môi trường thông thoáng cho phát triển sản xuất kinh doanh gắn liền với nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, tôi hiểu rằng ngành công thương vẫn còn rất nhiều công việc cần phải tập trung, giải quyết trong thời gian tới.
– Còn nhớ tháng 1/2017, tại Hội nghị tổng kết năm và triển khai nhiệm vụ của Bộ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặc biệt đánh giá cao công tác cải cách thể chế, cải cách hành chính của Bộ, và cho rằng việc này Bộ Công Thương làm tốt nhất. Ngay sau đó, báo chí và dư luận đã gọi ông là “Bộ trưởng kiến tạo”. Vậy yếu tố “kiến tạo” này được Bộ trưởng tiếp tục triển khai và đổi mới như thế nào trong 1 năm qua, để góp phần thực hiện thông điệp của Thủ tướng về Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động?
– Để góp phần thực hiện thông điệp của Thủ tướng về Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, năm 2017, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính trên cả 6 lĩnh vực (cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính).
Tuy nhiên, trước yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm đến công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh và cải cách tổ chức bộ máy.
Theo đó, về công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh. Chúng tôi xác định “chất lượng công tác cải cách hành chính của Bộ Công Thương phải được đo bằng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp”. Vì thế, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hành chính nói riêng luôn được Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm, chú trọng.
Về công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tại Bộ Công Thương được thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt.
Cụ thể, theo Nghị định 98, số đầu mối của Bộ đã cắt giảm 5 đầu mối (từ 35 Vụ, Cục và tương đương xuống còn 30 đầu mối trong đó có 26 đơn vị hành chính và 4 đơn vị sự nghiệp công lập).
Để đạt được mục tiêu này, Bộ Công Thương đã thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất một số đơn vị như: Sáp nhập Vụ Phát triển nguồn nhân lực vào Vụ Tổ chức cán bộ; sáp nhập Vụ Thi đua khen thưởng vào Văn phòng Bộ; hợp nhất Vụ Thị trường châu Á – Thái Bình Dương và Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á thành Vụ Thị trường châu Á – châu Phi; hợp nhất Vụ Thị trường châu Âu với Vụ Thị trường châu Mỹ thành Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, hợp nhất Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công nghiệp với Viện Nghiên cứu Thương mại thành Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương…
Bên cạnh đó, số lượng tổ chức cấp phòng tại Bộ Công Thương đã được cắt giảm mạnh mẽ. Cụ thể, tại các Cục, Vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ đã cắt giảm 72 đơn vị cấp Phòng (tương đương giảm 36,5% số phòng).
Sau khi Nghị định 98 được ban hành, Bộ Công Thương đã thực hiện việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ và cán bộ các đơn vị theo mô hình tổ chức mới. Hiện các đơn vị theo cơ cấu tổ chức mới của Bộ đã đi vào hoạt động ổn định.
– Bộ trưởng dự đoán ra sao về những thách thức mà ngành công thương phải đối mặt trong năm mới 2018?
– Bước sang năm 2018 ngành công thương được nhận định sẽ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.
Một mặt, kinh tế thế giới được nhận định vẫn ổn định trong năm 2018 nhưng tiếp tục đối mặt với những nguy cơ như sự thay đổi trong chính sách thương mại của các quốc gia, sự phát triển của chủ nghĩa bảo hộ, tình hình tài chính toàn cầu suy giảm đột ngột và sự gia tăng những căng thẳng địa chính trị ở nhiều nơi… có thể ảnh hưởng đến tài chính thế giới, ảnh hưởng đến giá cả các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu cũng như giảm nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng; nguồn cung nông sản toàn cầu tiếp tục tăng trong khi nhiều nước đẩy mạnh các chương trình, kế hoạch thúc đẩy sản xuất, hướng tới giảm dần phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu… sẽ ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu của Việt Nam.
Mặt khác, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào một số ngành như: Công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ… trong khi tồn tại những vấn đề về công nghệ thấp, đất đai tài nguyên đã được khai thác nhiều, năng suất lao động chưa cao, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng như của nền kinh tế tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự tạo được đột phá; sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu của một số ngành hàng cũng dẫn đến thiếu chủ động, tăng chi phí, phụ thuộc vào giá nhập khẩu… ảnh hưởng đến phát triển sản xuất trong nước.
Ngoài ra, cuộc Cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 tạo ra xu hướng tự động hóa, trao đổi dữ liệu trong sản xuất khiến ngành công nghiệp của Việt Nam có nguy cơ tụt hậu so với các nước phát triển.
– Vậy trước những thách thức đó, định hướng chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng và nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho ngành công thương thời gian tới là gì?
– Năm 2018 sẽ tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như sau:
Một là, tiếp tục bám sát diễn biến của thị trường để có các phương án sản xuất kinh doanh tối ưu nhằm đóng góp tốt hơn cho tăng trưởng GDP đối với các ngành công nghiệp; đẩy mạnh phát triển thị trường ngoài nước, khai thác tốt các FTA và ứng phó một cách chủ động, có hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường trên thế giới, tăng cường công tác xúc tiến thương mại; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, trong đó tập trung phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế trong hệ thống chính trị, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. Thực hiện các biện pháp chính sách để phát huy, tận dụng các cơ hội phát triển và hạn chế tác động tiêu cực do mặt trái của hội nhập gây ra.
Hai là, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất trong nước; đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện cắt giảm các điều kiện kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục gia tăng sản lượng, giải phóng lực lượng sản xuất gắn liền với đổi mới cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ba là, đẩy nhanh quá trình thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu trong ngành công thương theo Đề án đã được Thủ tướng phê duyệt gắn với triển khai mạnh mẽ và thực chất cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư trong các lĩnh vực hoạt động của ngành.
Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tập trung rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết hoặc phân cấp các thủ tục hành chính cho địa phương nếu có thể, hiện đại hóa hành chính, ứng dụng hệ thống quản lý công nghệ thông tin.
Năm là, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển các công trình có tính kết nối, lan tỏa phát triển giữa các ngành, lĩnh vực, vùng miền của đất nước.
– Năm vừa qua, Bộ Công Thương được nhận định là phối hợp rất chặt chẽ với Tổ công tác của Thủ tướng. Bộ trưởng có đề xuất hoặc kiến nghị gì với hoạt động của Tổ Công tác trong năm tới?
– Tôi nhận thấy thời gian qua Tổ Công tác của Thủ tướng đã chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao, bám sát các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Quốc hội, những định hướng trọng tâm trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng và chủ động kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Với tinh thần nghiêm túc, khách quan, chỉ rõ những kết quả đạt được và làm rõ nguyên nhân các nhiệm vụ chậm thực hiện, hàng tháng có báo cáo kết quả và đề xuất biện pháp chấn chỉnh tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, ý thức trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương của các Bộ, cơ quan, địa phương đã có sự chuyển biến tích cực, tiến độ, chất lượng thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng được cải thiện, tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ tại các Bộ ngành, địa phương, trong đó có Bộ Công Thương năm sau cao hơn năm trước, không để xảy ra tình trạng nợ đọng các nhiệm vụ được giao.
Tinh thần công khai, minh bạch được đề cao trước báo chí và dư luận. Các nội dung kiểm tra, số liệu về những nhiệm vụ được giao, số nhiệm vụ hoàn thành, những nhiệm vụ chậm trễ đều được công khai toàn bộ. Từ đó tạo tác động lan toả mạnh mẽ đúng với tinh thần Chính phủ minh bạch, kiến tạo phát triển và hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng có một số kiến nghị với Tổ Công tác Thủ tướng.
Một là, đề nghị Tổ Công tác của Thủ tướng tiếp tục đẩy mạnh đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện những nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao cho các bộ, cơ quan, địa phương, đặc biệt là đối với các lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm nhằm phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động Tổ công tác của Thủ tướng; triển khai kiểm tra chuyên đề việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, mở rộng kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực thi chính sách pháp luật và công tác chỉ đạo điều hành của bộ, cơ quan, địa phương, nhằm tiếp tục giảm tỷ lệ nhiệm vụ quá hạn so với năm 2017.
Hai là, đề nghị Tổ Công tác/Thường trực Tổ Công tác phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương thống nhất rà soát kết quả tình hình thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng giao trước các cuộc họp để cập nhật, điều chỉnh, bổ sung đúng với thực tế thực hiện, đảm bảo việc cập nhật, theo dõi Hệ thống Quản lý cơ sở dữ liệu tại Văn phòng Chính phủ chính xác và đầy đủ.
Phan Trang (thực hiện)
Nguồn: baochinhphu.vn