Cấp bách gỡ khó cho xuất khẩu thủy sản
Liên tục nhiều ngày qua xuất khẩu thủy sản của nước ta giảm mạnh; trong đó tháng 4-2023 các doanh nghiệp chỉ xuất có 810 triệu USD, giảm đến 28% so cùng kỳ năm trước; 2 thị trường lớn là Mỹ giảm 51% và Trung Quốc giảm 37%… Do xuất khẩu giảm đã tác động đến giá nguyên liệu trong nước giảm theo và khó tiêu thụ khiến hàng loạt hộ nuôi thủy sản như ngồi trên lửa.
Giá giảm, khó tiêu thụ
Rất nhiều hộ nuôi cá tra nguyên liệu ở Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, TP Cần Thơ… vô cùng lo lắng khi giá cá giảm, khó bán và sản lượng tới kỳ thu hoạch cứ ngày càng tăng. Ông Nguyễn Thanh Bình, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, nói: “Hồi đầu năm 2023 thủy sản nói chung và cá tra nói riêng có dấu hiệu chựng lại nhưng không thể ngờ khó khăn ập đến nhanh như vậy. Hiện thời giá cá tra nguyên liệu chỉ còn 27.500-28.500 đồng/kg, với giá này người nuôi cầm chắc lỗ”. Theo ông Bình, người nuôi cá tra đối diện với nhiều bất lợi như giá thức ăn liên tục tăng và chất lượng thấp, giá cá giống cũng tăng từ 26.000 đồng/kg lên 40.000 đồng/kg do nguồn giống khan hiếm bởi tỷ lệ ương cá giống đạt thấp; môi trường nước thay đổi do những tác động của biến đổi khí hậu… Tất cả những yếu tố trên khiến cho việc nuôi cá tra hiện nay kéo dài thời gian lên khoảng 11 tháng/vụ, từ đó đẩy chi phí giá thành lên từ 29.000-30.000 đồng/kg cá thương phẩm; do đó mỗi khi giá cá sụt giảm thì người nuôi lãnh đủ. “Mấy ao cá của gia đình tôi nuôi cả năm nay và đã tới kỳ thu hoạch với sản lượng ước từ 600-700 tấn nhưng chưa bán được, trong khi chi phí đầu tư ngót ngét gần 20 tỉ đồng. Tình hình này kéo dài sẽ rất khốn khó”, ông Bình than. Ông Võ Văn Nhựt, Phó giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Châu Thành (Đồng Tháp) cho hay, 16 xã viên của HTX hiện còn hơn 5.000 tấn cá tra chưa tiêu thụ được. Mấy ngày qua chúng tôi đang hối thúc các doanh nghiệp từng có hợp tác với HTX đẩy nhanh tiến độ thu mua nhằm giúp bà con giảm lỗ; thế nhưng các doanh nghiệp cũng chưa thể thu mua thêm nữa, do tình hình xuất khẩu khó khăn…
Không riêng gì Đồng Tháp mà các địa phương xung quanh cũng tương tự. Hiện cá tra tới kỳ thu hoạch, thậm chí nhiều ao cá đã vượt 1,2-1,3 kg/con nhưng vẫn chưa có doanh nghiệp mua khiến người nuôi phải cho ăn cầm chừng. Có hộ chấp nhận bán lỗ từ 2.000-3.000 đồng/kg và chỉ nhận được 50% tiền mặt, 50% còn lại thì nhận bằng thức ăn…
Đối với con tôm mọi việc cũng đang rất khó. Ông Lê Văn Kỳ, ngụ xã Bình Thới, huyện Bình Đại (Bến Tre) tiết lộ: “Tôm thẻ loại 100 con/kg giá sụt giảm còn khoảng 80.000 đồng/kg, loại 50 con/kg còn hơn 95.000 đồng/kg; còn tôm sú loại 100 con/kg giá có hơn 95.000 đồng/kg, loại 50 con/kg khoảng 130.000 đồng/kg… sụt khá nhiều so với các năm trước. Ngoài việc giá giảm thì tỷ lệ hao hụt trong việc nuôi tôm tăng, cộng với giá thức ăn cao… khiến người nuôi tôm thiệt hại trăm bề”.
Trong khi người nuôi thủy sản ở ĐBSCL kêu than thì các doanh nghiệp xuất khẩu cũng chịu chung số phận. Một doanh nghiệp thủy sản ở Đồng Tháp cho hay, do thiếu đơn hàng nên công ty phải cắt giảm công suất hoạt động 30-40%, đây là tình thế bắt buộc đành phải chịu. Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Gò Đàng (Tiền Giang) nhìn nhận, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến giá cá tra giảm là tác động của thị trường xuất khẩu bị chậm. Cụ thể, những thị trường trọng điểm của cá tra nước ta như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc… đều rơi vào trạng thái trầm lắng. Trong đó, dù thị trường Trung Quốc đã bỏ chính sách Zero COVID, song tâm lý người dân vẫn còn e dè. Ngoài ra, lượng hàng tồn kho của một số thị trường vẫn còn nhiều khiến tốc độ tiêu thụ không như kỳ vọng…
Dồn sức tháo gỡ
Trong 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản mới đạt trên 2,6 tỉ USD, giảm khoảng 36% so với cùng kỳ năm 2022. Đây thật sự là trở ngại không nhỏ cho việc nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu 10 tỉ USD của năm 2023 mà Bộ NN&PTNT đề ra. Về nguyên nhân, Bộ NN&PTNT cho rằng, từ cuối năm 2022 và nhất là 3 tháng đầu năm 2023, do tác động của nhiều khó khăn chung khiến việc xuất khẩu các sản phẩm thủy sản giảm nhiều so cùng kỳ năm trước; trong đó tại các thị trường lớn, truyền thống, như Mỹ, EU… số lượng đơn hàng giảm mạnh. “Cuối năm 2022, khi kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 11 tỉ USD, con số cao nhất từ trước đến nay thì toàn ngành rất vui nhưng cũng lường trước nhiều khó khăn của năm 2023 bởi những tác động của tình hình thế giới và các yếu tố bất lợi khác. Do đó, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản thực hiện các giải pháp phù hợp, linh hoạt, sáng tạo, bám sát thực tiễn nhằm cố gắng đảm bảo mục tiêu tăng trưởng. Hiện nay, bộ cũng đang nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn, để hoàn thành chỉ tiêu đề ra”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay.
Theo ông Võ Văn Phục, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, lạm phát cao, nên người dân nhiều nước hạn chế tiêu dùng là việc khó tránh khỏi. Các sản phẩm thủy sản thế mạnh của ĐBSCL nhất là con tôm còn phải cạnh với nguồn nguyên liệu giá thấp của các nước Ecuador, Ấn Độ, Indonesia… làm cho việc xuất khẩu khó trăm bề. Trước tình hình trên, để vượt qua giai đoạn trước mắt và duy trì xuất khẩu thì các doanh nghiệp phải tái cấu trúc lại một cách hợp lý; chấp nhận giảm tăng trưởng, giảm lao động và thu nhập…
Trước những khó khăn trên, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo gỡ khó cho xuất khẩu thủy sản. Thủ tướng yêu cầu các ngành chức năng tập trung gỡ khó cho doanh nghiệp trong thực hiện các chính sách liên quan đến hoàn thuế VAT; thúc đẩy xúc tiến thương mại, đặc biệt là các thị trường lớn, thị trường mới nổi; tăng cường kiểm tra việc thực thi pháp luật, đảm bảo thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc thủy sản; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản liên quan đến quy chuẩn về nước thải chế biến thủy sản và nước thải ao nuôi thủy sản. Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức kết nối giữa thị trường trong nước và ngoài nước, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp ngoài nước; cung cấp các thông tin về thị trường, thông tin thay đổi chiến lược để doanh nghiệp có biện pháp thích ứng phù hợp. Phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành tín dụng chủ động để cung cấp vốn; tiếp tục có giải pháp giảm mặt bằng lãi suất vay hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu; cần hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên – bao gồm thủy sản; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản tiếp cận vốn tín dụng phục vụ kinh doanh, tạo cơ hội thúc đẩy sinh kế cho nông dân…
Với những tháo gỡ cấp bách trên, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sẽ khôi phục lại thị trường xuất khẩu thủy sản trong thời gian sớm nhất. Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành quan tâm xem xét giảm thuế khi nhập khẩu các nguyên liệu chế biến thức ăn thủy sản, như đậu nành từ 2% về 0%, góp phần giảm chi phí đầu vào cho người nuôi cá. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản Gò Đàng đồng tình cao và nhìn nhận, khi được ngành chức năng đồng ý giảm thuế sẽ tác động rất lớn đến giảm giá thành chăn nuôi, bởi chi phí thức ăn chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất. “Một khi giảm được chi phí giá thành, mới giúp chúng ta tăng sức cạnh tranh với các nước khác trên thế giới…”, ông Đạo nói.
PHƯỚC BÌNH