Đà Nẵng đấu giá hải sản ngay tại cảng cá: Chuyện không đơn giản
Theo kế hoạch, đầu tháng 9 tới Đà Nẵng sẽ là địa phương đầu tiên trên cả nước thí điểm đấu giá hải sản ngay tại Chợ đầu mối Thủy sản Thọ Quang, nơi có sản lượng hải sản qua cảng bình quân 100 nghìn tấn/năm.
Theo ông Nguyễn Lại – Trưởng phòng Khai thác Dịch vụ, Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, cảng cá là trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của Đà Nẵng và khu vực miền Trung. Hằng năm, tại đây đón hơn 20.000 lượt tàu (bình quân 55 tàu/ngày) vào bán hải sản, với sản lượng hải sản bình quân hơn 100.000 tấn/năm.
Theo ông Lại, trước đến giờ ngư dân thường bán sản phẩm khai thác qua các nậu, vựa nên giá cả rất phụ thuộc, không thể tự quyết được.
Việc đấu giá sẽ tạo ra môi trường mua bán thuận lợi hơn, làm gia tăng giá trị và ổn định giá cả sản phẩm hải sản khai thác, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần phát triển nghề khai thác thủy sản bền vững.
Hiện đơn vị đang làm việc, thông báo, lấy ý kiến từ các chủ tàu và khoảng gần 20 doanh nghiệp chuyên thu mua hải sản. Một phần họ hưởng ứng nhưng một số e ngại, do dự vì họ quen với kiểu mua bán truyền thống.
“Để bứt ra khỏi các nậu là câu chuyện rất khó khăn. Theo kế hoạch thì đến tháng 1-2019 sẽ thí điểm tổ chức được 60 phiên. Khó đến đâu gỡ đến đó, vì Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trên cả nước thí điểm đấu giá hải sản ngay tại cảng, không chỉ cho ngư dân địa phương mà cả các tỉnh miền Trung”, ông Lại cho hay.
Không đơn giản
Hiện cộng đồng ngư dân miền Trung bán hải sản qua Cảng cá Thọ Quang lâu nay đã biết được chủ trương này. Tuy chưa thực sự biết thực tế tổ chức như thế nào nhưng khi được thông báo là sẽ tự ra giá hải sản một cách hợp lý để bán đúng giá và không bị ép, nhiều người rất vui mừng.
“Từ trước đến nay gần như các chủ tàu nói giá nhưng không quyết định được, mà hầu hết đều bị các chủ nậu ép xuống. Khi nào sản lượng ít thì giá còn được tí chứ khai thác về nhiều là bị ép mạnh. Giờ có thể đưa ra giá rồi ai mua được nhất là mình bán. Như thế sẽ tốt hơn cho công sức, chi phí của bà con”, anh Lành – chủ tàu cá ở H. Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi tâm sự.
Tuy nhiên, nhiều ngư dân cho biết, họ phụ thuộc rất nhiều vào các chủ nậu, từ việc ứng chi phí, vật tư, lương thực, nhiên liệu khi ra khơi nên sau mỗi chuyến biển phải bán lại hải sản cho chính chủ nậu để bù trừ khoản tiền đã ứng.
Mặt khác, hầu hết các tàu cá đều khai thác hỗn hợp với rất nhiều loài hải sản, nếu chỉ đấu giá một vài loại thì số còn lại cũng vẫn phải bán theo kiểu truyền thống. Cộng với các thủ tục trưng bày mẫu, kê khai, đăng ký sau khi cập bến và cả khả năng đấu giá không thành công nữa thì sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Hiện chúng tôi chỉ mới nhận thông báo, chưa có phiên nào được tổ chức nên cũng đang còn do dự. Làm được thì tốt thôi, nhưng phải bài bản và chuyên nghiệp thì mới tạo sự yên tâm cho ngư dân được”, một chủ tàu Đà Nẵng xin giấu tên cho biết.
Qua trao đổi, ông Trần Văn Ân – Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá, Sở Tư pháp TP Đà Nẵng, cho biết:
Đây là chủ trương của thành phố vì bán đấu giá hải sản là hình thức mua bán văn minh hợp xu thế phát triển, Đà Nẵng lại là thị trường tiêu thụ lớn, tập trung nhiều tàu thuyền, khách hàng.
Tuy nhiên, đây là hoạt động mới, chưa có tỉnh thành nào triển khai nên chưa có các quy định hướng dẫn cụ thể, hạ tầng chưa đủ đáp ứng trên thực tế. Bên cạnh đó, việc thay đổi thói quen mua bán, số lượng, chủng loại thiếu ổn định cũng sẽ là những trở ngại không nhỏ.
“Đấu giá các tài sản khác rất dễ vì thời gian chuẩn bị đầy đủ theo quy định khi đó mới ra thông báo. Nhưng hải sản thì sẽ khó khăn, ngư dân không có thông báo trước thời gian, vì bản thân họ cũng không chủ động được, trong khi hải sản lại không để được lâu.
Thói quen mua bán cũ, quan hệ quen biết giữa các doanh nghiệp cũng sẽ gây những khó khăn nhất định. Chủ trương của thành phố là đảm bảo lợi ích cho ngư dân, tạo môi trường mua bán minh bạch để phát triển ngành thủy sản bền vững. Vì thí điểm nên trước mắt phải vừa làm vừa tính toán”, ông Ân bày tỏ.