Ngành nuôi trồng thủy sản đang đứng trước nguy cơ ‘treo ao’
Chia sẻ tại hội nghị Giải pháp tín dụng thúc đẩy thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực vùng ĐBSCL, do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức tại Cần Thơ, nhiều doanh nghiệp thủy sản cho biết hiện nay đầu ra thủy sản rất khó khăn, người nuôi thủy sản đang đứng trước nguy cơ phải treo ao
Khó khăn kéo dài đến giữa năm sau
Theo ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú – đơn vị xuất khẩu tôm lớn nhất cả nước, nếu như trong 4 tháng đầu năm xuất khẩu tôm của Tập đoàn Minh Phú tăng trưởng từ 26 – 50% so với cùng kỳ thì kể từ tháng 5 trở đi, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại. Đáng quan tâm là trong tháng 10 và 11, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm mạnh, tính chung cả năm kim ngạch xuất khẩu có thể chỉ đạt khoảng 600 triệu USD, trong khi các năm trước đạt từ 650 triệu USD trở lên.
Ông Quang cũng cho biết, qua trao đổi với các đối tác nhập khẩu thì được biết do ảnh hưởng của chiến tranh giữa Nga và Ukraine, cùng với lạm phát, người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm trong chi tiêu. Mặc dù tôm là mặt hàng thực phẩm không thể không ăn nhưng tiêu thụ rất chậm, hiện lượng tồn kho tại các đơn vị nhập khẩu còn rất lớn, do đó họ chưa có kế hoạch nhập thêm hàng.
Theo các đơn vị nhập khẩu thì tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế trên thế giới có khả năng kéo dài đến giữa năm sau mới có thể được cải thiện. Do đó, dự báo ngành thủy sản sẽ tiếp tục khó khăn đến giữa năm sau mới mong hồi phục.
“Mặc dù hiện nay giá tôm nguyên liệu đã giảm mạnh nhưng tiêu thụ cũng rất khó khăn, nếu tình hình này kéo dài thì nguy cơ người nuôi thủy sản phải “treo ao” là khó tránh khỏi”, ông Quang cho biết.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành thủy sản hiện nay, ông Quang đề xuất NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) có chính sách ưu tiên tín dụng lãi suất thấp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp thủy sản có thêm nguồn vốn thu mua hết nguyên liệu cho người nuôi vì nếu phải vay vốn lãi suất cao để tạm trữ nguyên liệu thì rủi ro cho doanh nghiệp là rất lớn.
Đồng quan điểm đó, ông Lê Thanh Thuấn, Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai, Phó chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của lạm phát, đồng USD tăng giá, thị trường xuất khẩu cá tra trong các tháng cuối năm cũng đang gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, nhiều ao nuôi cá đã quá lứa thu hoạch nhưng chưa bán được, người nuôi rất khó khăn.
Xuất khẩu hạn chế, nhà máy giảm công suất nhưng doanh nghiệp vẫn phải trả lương, đảm bảo đời sống cho hàng chục ngàn lao động, do vậy doanh nghiệp cũng rất khó khăn.
“Để tháo gỡ khó khăn có tính chất dây chuyền này, Hiệp hội cá tra cũng đề xuất NHNN và các TCTD có chính sách tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp dành cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra.”, ông Thuấn đề xuất.
Ông Trần Văn Diệu, Giám đốc Công ty TNHH Thái Minh Long (Bạc Liêu) chỉ rằng, với lợi thế tham gia 20 hiệp định FTA, ngành thủy sản Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Năm 2022, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng cũng là năm ngành thủy sản đạt kết quả xuất khẩu cao nhất, vượt qua mốc 10 tỷ USD.
Tuy nhiên, để tăng tốc phát triển ngành hàng này thì các doanh nghiệp rất cần nguồn vốn lãi suất thấp để đầu tư nâng cấp công nghệ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Do vậy, các doanh nghiệp mong muốn NHNN, các TCTD có chính sách tín dụng trung, dài hạn lãi suất thấp để hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị, công nghệ, mở rộng sản xuất, nâng cao kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này trong các năm tới.
Không hạn chế room tín dụng đối với sản xuất nông nghiệp
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, ngày 5/12 vừa qua, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 – 2% cho toàn hệ thống các TCTD, trong đó Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn.
“Riêng đối với lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp, hiện nay NHNN không đặt ra quy định nào hạn chế room tín dụng trên lĩnh vực này do đó không cần thiết phải có các gói tín dụng riêng. Về đề xuất các gói vay lãi suất thấp, hiện tại đã có 4 TCTD cam kết dành hạn mức lên đến hàng ngàn tỷ đồng cho lĩnh vực sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông, thủy sản tại khu vực ĐBSCL với lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường”, ông Tú cho hay.
Đại diện cho các địa phương có ngành nuôi chế biến thủy sản xuất khẩu lớn tại vùng ĐBSCL, ông Nguyễn Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, qua số liệu tín dụng của NHNN cho thấy, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn vùng ĐBSCL đang được các TCTD ưu tiên nguồn vốn để phát triển khi mà tăng trưởng tín dụng cao hơn so với mức bình quân các vùng khác.
ĐBSCL hiện đang đóng góp đến 90% gạo, 70% thủy sản, trái cây cho xuất khẩu. Riêng lĩnh vực thủy sản tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt trên 20%, năm nay có khả năng đạt trên 26%, nhưng dư nợ tín dụng lĩnh vực thủy sản chỉ đạt khoảng 16% là chưa tương xứng.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Điều hành Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cam kết dành hạn mức giải ngân thêm 5.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng nhằm đáp ứng nhu cầu thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực ĐBSCL.
Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho biết, trong năm 2022, Agribank sẽ tiết giảm khoảng 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất cho khách hàng, trong đó dự kiến khu vực ĐBSCL được giảm khoảng 300 tỷ đồng lãi suất cho các món vay thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các đơn vị trong ngành ngân hàng bám sát diễn biến của thị trường, điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu kiên định ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống.
Đồng thời đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực với thời hạn và lãi suất hợp lý theo Nghị định 55/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2015, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.
Các TCTD cần chủ động tiếp cận người dân, doanh nghiệp thuộc ngành hàng thủy sản, lúa gạo, rau quả,… để đánh giá về nhu cầu tín dụng nhằm đảm bảo đủ nguồn vốn để doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của vùng ĐBSCL.
“Với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp, ngành ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn các tỉnh vùng ĐBSCL, đặc biệt nhu cầu vốn để kinh doanh xuất khẩu hàng các mặt hàng nông sản chủ lực”, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Theo NHNN, đến cuối tháng 11/2022, dư nợ cho vay tại khu vực ĐBSCL đạt 955.451 tỷ đồng, tăng 13,53% so với cuối 2021. Trong đó, dư nợ tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn đạt gần 540.000 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cuối năm 2021.
Một số mặt hàng nông sản chủ lực của vùng có mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng, cụ thể: Dư nợ ngành thủy sản đạt 112.455 tỷ đồng, tăng 16% và chiếm gần 54% dư nợ thủy sản toàn quốc. Trong đó: dư nợ cho vay cá tra và tôm đạt 62.953 tỷ đồng, chiếm 56% dư nợ cho thủy sản của vùng.
Dư nợ ngành lúa gạo đạt 89.388 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cuối năm 2021 và chiếm gần 55% dư nợ lúa gạo toàn quốc; dư nợ ngành rau quả đạt 19.441 tỷ đồng và chiếm khoảng 21% dư nợ rau quả toàn quốc.
Theo Nhà Đầu tư