Nghệ An: Người nuôi trồng thủy sản đứng trước nguy cơ mất trắng sau mưa lũ bão Noru
Mưa lũ mấy ngày qua đã nhấn chìm hàng nghìn héc-ta ao, hồ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Nghệ An, nhiều tôm, cá bị nước cuốn trôi gây thiệt hại rất lớn. Hàng trăm hộ dân nơi đây đang đứng trước nguy cơ trắng tay sau mưa lũ.
Mưa lớn kéo dài trong 2 ngày (29 – 30/9) do hoàn lưu bão Noru vừa qua đã khiến cho 461,5 ha ao, hồ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) bị ngập.
Trong đó, có 222,4 ha ao nuôi tôm mặn lợ thâm canh bị ngập, mức thiệt hại ước tính hơn 70%, nặng nề nhất là tại các phường, xã như: Quỳnh Xuân với 70 ha, Quỳnh Liên 26,4 ha, Quỳnh Dị 40 ha, Mai Hùng 55 ha, Quỳnh Lộc 17 ha, Quỳnh Thiện 14 ha.
Ngoài ra, còn có 74,5 ha nuôi tôm quảng canh bị ngập; hơn 150 ha ao nuôi cá các loại và 13,2 ha ao nuôi ốc cũng bị thiệt hại hơn 70%.
Ông Nguyễn Đình Hanh, Chủ tịch UBND phường Quỳnh Xuân cho biết, những ngày qua mưa lớn, nước hồ Vực Mấu đổ về nhiều, kết hợp triều cường và gió lớn nên đã khiến cho 70 ha ao nuôi tôm của người dân trên địa bàn bị ngập, tràn.
Hiện nay, diện tích nuôi tôm của phường Quỳnh Xuân chủ yếu nằm phía Tây sông Mai Giang. Thời điểm này rất nhiều hộ dân vừa mới thả tôm vụ mới, vì thế, nước mưa lớn gây ngập ao nuôi ngoài việc khiến tôm thoát ra ngoài còn khiến lượng mặn trong nước bị giảm, nguy cơ gây chết tôm.
Tại huyện Quỳnh Lưu (Nghê An) mưa lũ trong những ngày qua cũng đã khiến cho 1.237 ha ao, hồ nuôi trồng thủy sản bị ngập nặng, trong đó, có 177 ha nuôi tôm. Ngoài ra, tại địa phương này còn có hơn 557 tấn muối trong kho của bà con diêm dân đã bị ngập. Trong đó, thiệt hại nặng nề nhất là tại các khu vực nuôi tôm của các xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Thanh, Quỳnh Lương…
Bà Vũ Thị Bích Hằng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết, hiện nay huyện mới bước đầu thống kê thiệt hại sơ bộ, sắp tới các xã sẽ thống kê cụ thể diện tích ao, hồ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại để có chính sách hỗ trợ cho người dân. Bên cạnh đó, đối với những ao nuôi bị nước lũ tràn vào trực tiếp, tùy tình hình thực tế, người dân cũng cần phải có phương án xử lý, vệ sinh cẩn thận rồi mới tiếp tục thả nuôi, tránh tình trạng tôm, cá bị nhiễm bệnh, có thể gây thiệt hại nặng nề hơn.
Nước sông Lam dâng cao những ngày qua cũng làm cho hàng trăm ha nuôi trồng thuỷ sản của TP Vinh trôi theo lũ. Các hộ nuôi tôm, vịt, cá dọc đê sông Lam chỉ biết nhìn tài sản cuốn trôi ra biển./.
Tác giả: Thanh Hà
Nguồn tin: tamnhin.trithuccuocsong.vn