“Nốt trầm” của doanh nghiệp thủy sản trong quý đầu năm 2023
Bước sang năm 2023, những dự báo về tình thế khó khăn của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã được đưa ra khi lực cầu của nhiều thị trường xuất khẩu chính chững lại trong bối cảnh lãi suất neo cao, lạm phát vẫn còn kéo dài. Thực tế đã chứng minh, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thủy sản trong quý 1/2023 đã lùi sâu so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường chủ lực chững lại
Theo báo cáo mới nhất từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tổng xuất khẩu thủy sản trong 4 tháng đầu năm 2023 lùi 36% về mức 2.6 tỷ USD. Tính riêng tháng 4, con số này đạt 810 triệu USD, giảm 28%.
Tính theo cơ cấu xuất khẩu, hai mặt hàng chủ lực của Việt Nam là tôm và cá tra lần lượt đạt 892 triệu USD và 598 triệu USD trong 4 tháng đầu năm, giảm lần lượt 44% và 46% so với cùng kỳ năm trước. Các sản phẩm khác như cá ngừ, bạch tuộc, nhuyễn thể có vỏ,… đều giảm ở mức hai con số.
Các số liệu này phần nào phản ánh cho nhu cầu đang chững lại tại các thị trường xuất khẩu chính của thủy sản Việt Nam như Mỹ, EU hay Trung Quốc.
Tại Mỹ, lãi suất vẫn còn neo cao, khiến cho phía cầu của nền kinh tế chùn bước trong việc đẩy mạnh chi tiêu. Trong khi đó, lạm phát vẫn còn cao hơn so với mục tiêu mà NHTW nước này đề ra, báo hiệu cho những khó khăn vẫn còn. Lũy kế trong 4 tháng đầu 2023, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ ước 418 triệu USD, giảm trên 57% so với cùng kỳ. Mỹ là thị trường tiêu thụ tôm hàng đầu của Việt Nam.
Ở phía bên kia bán cầu, xuất khẩu sang Trung Quốc – thị trường tiêu thụ cá tra hàng đầu của Việt Nam, vẫn còn chậm dù có tín hiệu tốt hơn. Tính đến hết tháng 4/2023, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc ước đạt 435 triệu USD, giảm 37%. Trong đó, xuất khẩu cá tra sang thị trường này vẫn chưa hồi phục do giá xuất khẩu trung bình giảm.
Doanh thu nhiều doanh nghiệp giảm mạnh
Theo dữ liệu từ VietstockFinance, tổng doanh thu hợp nhất của 12 doanh nghiệp ngành thủy sản niêm yết trong quý 1/2023 lùi 31% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 9,384 tỷ đồng; tính trung bình doanh thu 12 doanh nghiệp này giảm 25%.
Ngoài việc xuất khẩu sang các thị trường chủ yếu giảm, thì mức nền so sánh cùng kỳ, hay nói cách khác là doanh thu của các doanh nghiệp quý 1/2023 đã ở mức cao. Do đó, doanh thu các doanh nghiệp thủy sản khó vượt qua được chính mình trong quý đầu của năm 2023.
Cuốn theo xu hướng chung đó, “nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) vừa trải qua một quý mà doanh thu đi lùi 32%, còn 2,222 tỷ đồng do doanh thu của mặt hàng chủ lực cá tra và từ thị trường chính là Mỹ đều giảm hai con số so với cùng kỳ.
Tương tự, doanh thu của Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia – IDI (HOSE: IDI) và Nam Việt (HOSE: ANV) cũng sụt giảm từ 5 – 6%. Cụ thể, IDI mang về 1,762 tỷ đồng doanh thu; ANV mang về 1,155 tỷ đồng doanh thu trong quý đầu năm.
Ở nhóm xuất khẩu tôm, doanh thu của “vua tôm” Minh Phú (UPCoM: MPC) chỉ còn một nửa so với cùng kỳ, ở mức 2,123 tỷ đồng.
Tương tự, doanh thu của Camimex Group (HOSE: CMX) lùi về 242 tỷ đồng. Doanh thu thuần của Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) giảm 24% còn 1,008 tỷ đồng. Sản lượng tiêu thụ tôm của FMC trong quý 1/2023 giảm 30%, xuống còn gần 3.4 triệu tấn.
Biên lãi gộp phần lớn doanh nghiệp thủy sản trong quý 1/2023 đều trở nên mỏng hơn so với cùng kỳ.
Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp suy giảm
Theo dữ liệu từ VietstockFinance, tổng lãi ròng của 12 doanh nghiệp thủy sản đạt 293 tỷ đồng, giảm 75% so với cùng kỳ năm trước.
Lãi ròng của VHC và ANV giảm sâu hơn một nửa so với cùng kỳ từ 55 – 60%, đạt lần lượt 219 tỷ đồng và 92 tỷ đồng. Tính tới cuối quý 1/2023, Vĩnh Hoàn vẫn còn nắm giữ các cổ phiếu NLG, DXS và KBC, khoản đầu tư đang lỗ trên sổ sách gần 84 tỷ đồng. Còn IDI “bay hơi” đến 92% lãi ròng so với cùng kỳ năm trước.
Nhóm ba doanh nghiệp lỗ, đáng chú ý nhất là MPC khi lỗ gần 100 tỷ đồng gây nhiều bất ngờ, đây là con số lỗ đậm theo quý kể từ năm 2015.
Theo MPC, ngoài ảnh hưởng từ doanh thu bán hàng giảm, kết quả kinh doanh của các công ty nuôi tôm thương phẩm Minh Phú Lộc An, Minh Phú Kiên Giang và Công ty Sản xuất Tôm giống Minh Phú Ninh Thuận không có hiệu quả.
Song song đó, Minh Phú cũng có một danh mục đầu tư tài chính đa dạng. Tính đến cuối quý 1, MPC nắm giữ 8.8 tỷ đồng danh mục cổ phiếu, không thay đổi so với đầu năm, nhưng đang phải trích lập 5.6 tỷ đồng cho khoản đầu tư này; tiền gửi kỳ hạn trên ba tháng gần 63 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu năm. Danh mục đầu tư dài hạn chủ yếu là trái phiếu ngân hàng.
Diễn biến ngược lại, hai doanh nghiệp có lãi ròng tăng so với cùng kỳ năm trước là Thực phẩm Sao Ta và Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (HOSE: ABT). Như đã đề cập, doanh thu FMC giảm hai con số, nhưng nhờ chi phí hoạt động giảm (đặc biệt là chi phí bán hàng, giảm 66% xuống 24 tỷ đồng). Chưa kể, chi phí vận chuyển cũng giảm 70% xuống 17 tỷ đồng và FMC cũng không phát sinh chi phí thuế chống bán phá giá, kỳ trước khoản chi phí này gần 3.4 tỷ đồng. Lãi sau thuế do đó tăng 7%, đạt 44 tỷ đồng.
ABT không những được lợi từ chi phí vận chuyển giảm mà còn hưởng lợi nhiều từ lãi tiền gửi.
Chi phí lãi vay, lỗ chênh lệch tỷ giá tăng mạnh
Một điểm đáng lưu ý là chi phí tài chính của các doanh nghiệp thủy sản trong kỳ tăng mạnh. Đơn cử IDI, chi phí tài chính gần gấp đôi cùng kỳ lên gần 94 tỷ đồng, trong đó có gần 85 tỷ đồng là chi phí lãi vay (tăng 86%) và 9 tỷ đồng là lỗ tỷ giá (gấp hơn 3 lần cùng kỳ).
Tương tự, chi phí tài chính của VHC ở mức 90 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ, trong đó chi phí lãi vay 37 tỷ đồng và lỗ tỷ giá 45 tỷ đồng, tăng lần lượt so với cùng kỳ là 92% và 161%.
Nhóm còn lại như MPC hay CMX có thể thấy, dù chi phí tài chính cũng tăng mạnh, trong đó phần lớn là từ chi phí lãi vay. Chẳng hạn, trong 54 tỷ đồng chi phí tài chính của MPC kỳ này thì có hơn một nửa 33 tỷ đồng lãi vay, gấp hơn 2.5 lần cùng kỳ. Tương tự, chi phí tài chính của CMX ghi nhận 31 tỷ đồng, trong đó có đến 17 tỷ đồng là lãi vay, còn lại 13 tỷ đồng là lỗ tỷ giá, tương ứng tăng 32% và 232%.
Đối với FMC, lỗ tỷ giá chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 6 tỷ đồng, còn lại gần 3 tỷ đồng lãi vay, nhưng mức tăng của chi phí lãi vay lớn hơn (57%) so với mức tăng của lỗ tỷ giá (35%).
Giá cổ phiếu các doanh nghiệp thủy sản giảm
Mặc dù tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản trong những tháng đầu năm 2023 kém tích cực, song vận động của giá cổ phiếu các doanh nghiệp thủy sản lại có sự phân hóa.
Trong bối cảnh chỉ số VN-Index đi ngang từ đầu năm, giá cổ phiếu ANV và FMC lại tăng mạnh lần lượt là 39% và 23%, còn CMX tăng 8%. Trong khi đó, giá cổ phiếu ông lớn ngành tôm MPC giảm 1%, còn giá cổ phiếu hai doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn IDC và VHC giảm lần lượt 1% và 15%.
VASEP dự báo xuất khẩu tôm trong thời gian tới sẽ hồi phục chậm do cạnh trạnh với Ấn Độ, Ecuador và Indonesia. Trong khi đó, xuất khẩu cá tra khả quan hơn ở một số thị trường, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau dịch bệnh cũng là một cơ hội lớn.
VASEP cũng dự báo Trung Quốc sẽ trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất, nhưng áp lực cạnh tranh với các nước khác rất lớn. Còn các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc khó bứt phá vì lạm phát khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và giá nhập khẩu trung bình giảm so với năm trước. Dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục dần từ quý 3/2023.
Theo Viet Stock