Trung Quốc mở cửa trở lại nhưng vì sao xuất khẩu một loài thủy sản của Việt Nam giảm đến 55%?
Xuất khẩu tôm sang Mỹ trong tháng 1 năm nay đạt 23 triệu USD, giảm 65% so với cùng kỳ. Nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường Mỹ giảm mạnh do tình trạng dư cung. Giá tôm tại thị trường này cũng đang giảm. Theo dữ liệu của Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia (NOAA), nhập khẩu tôm của Mỹ trong tháng 12/2022 chạm mức thấp nhất trong 10 năm.
Theo thông tin từ các nhà nhập khẩu Mỹ, các nhà chế biến và bán buôn trên thị trường này có thể sẽ mua nhiều tôm đã bóc vỏ và bỏ chỉ lưng thay vì tôm còn vỏ, không đầu vì mặt hàng này dễ vận chuyển hơn – trọng lượng nhẹ hơn để giảm chi phí vận chuyển và rút ngắn thời gian chế biến. Nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam của thị trường Mỹ có thể khá hơn sau quý đầu năm 2023, đến khoảng tháng 5 khi tồn kho giảm bớt và tình hình kinh tế tích cực hơn.
Nhìn lại năm 2022, trong bối cảnh ngành tôm vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn như hệ lụy đại dịch Covid-19, xung đột Nga – Ukraine, lạm phát tăng cao ở các thị trường, chi phí sản xuất và kinh doanh tăng mạnh, biến động tỷ giá ngoại tệ… nhưng xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt kỷ lục 4,3 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021.
Theo đó, sản lượng xuất khẩu tôm năm 2022 đạt 745.000 tấn (trong đó, tôm sú 271.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 474.000 tấn); 6 thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam lần lượt là: Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia. Giá trị xuất khẩu tôm lần lượt tăng từ 3,4 tỷ USD năm 2019, 3,7 tỷ USD năm 2020, 3,9 tỷ USD năm 2021 và 4,3 tỷ năm 2022.
Nhận định của VASEP, ngành thủy sản năm 2023 sẽ có nhiều khó khăn, do phụ thuộc vào tình hình thế giới, nhiều đơn hàng của doanh nghiệp bị hoãn đến cuối quý 1 năm sau. Do đó, doanh nghiệp cần tận dụng khoảng thời gian này để chuẩn bị tốt hơn cho các hoạt động sản xuất, củng cố tài chính, điều chỉnh chi phí sản xuất một cách tối ưu, nâng cao chất lượng sản phẩm để sẵn sàng phục hồi trong giai đoạn sắp tới.
Bình Minh