19/08 2022
Trung Quốc: Thị trường “màu mỡ” cho xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam
Theo VASEP, nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày càng cao mà nguồn cung thuỷ sản nội địa lại thiếu hụt, dẫn tới nhập khẩu thuỷ sản ở Trung Quốc tăng lên theo từng năm.
Nhu cầu tăng cao
Theo công bố mới đây của Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep)Trung Quốc là một trong những quốc gia có lượng tiêu thụ thủy sản lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là nước xuất nhập khẩu thủy sản lớn, chiếm 18% nhập khẩu thủy sản thế giới.
Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 7/2022 xuất khẩu thuỷ sản nước ta đạt gần 12 tỷ USD. Trong đó, thị trường Trung Quốc đạt 934 triệu USD, tăng 80,4% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện tại, Trung Quốc đã xóa bỏ chính sách đình chỉ nhập khẩu thực phẩm đông lạnh có nhiễm virus Sars-COV-2 sau gần 2 năm thực thi. Dự báo điều này sẽ giúp cho hoạt động xuất khẩu thuỷ sản đông lạnh của Việt Nam sang thị trường này tăng trưởng hơn nữa.
Các mô hình chuỗi nhà hàng hải sản quy mô lớn, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, giao thức ăn, lẩu,… ở nước này cũng đang phát triển mạnh, yêu cầu một lượng nguyên liệu khổng lồ, cộng với việc nguồn cung thủy, hải sản nội địa bị hạn chế vì yếu tố môi trường trong cả khai thác và nuôi trồng khiến nhập khẩu thủy sản tăng lên qua từng năm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng.
Dự đoán giai đoạn 2022 – 2023 tiêu thụ thuỷ sản sẽ tăng lên khoảng 39-40kg/người (58 triệu tấn với dân số 1,5 tỷ người) , tới năm 2028 dự báo tiêu thụ thuỷ sản tăng tới trên 44kg/người (64 triệu tấn)
Các sản phẩm chất lượng cao cũng ngày càng trở nên phổ biến hơn đối với người tiêu dùng trung lưu, và sự bổ sung của các kênh thương mại điện tử đã làm tăng đáng kể sự tiện lợi khi mua hàng, đẩy cao nhu cầu của người tiêu dùng.
Ngoài ra, thuế VAT và thuế nhập khẩu thủy sản tiêu thụ tại Trung Quốc cũng đã giảm. Trong những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành mức thuế suất tạm thời thấp hơn từ 2 đến 5% đối với một số sản phẩm.
Thách thức cũng cao
Theo Vasep, sau dịch bệnh, thị trường thủy sản của Trung Quốc sẽ được tiêu chuẩn hóa hơn trong tất cả các khía cạnh chế biến, lưu kho, vận chuyển và bán hàng theo chuỗi lạnh, điều này sẽ cải thiện chất lượng của toàn ngành thủy sản và loại bỏ các thị trường và công ty chế biến không tuân thủ.
Dịch bệnh đã thay đổi tiêu chuẩn thực phẩm của người tiêu dùng Trung Quốc, và chất lượng và an toàn thực phẩm đã trở thành lựa chọn hàng đầu.
Giờ đây, các sản phẩm thủy sản của Trung Quốc có thể truy xuất được nguồn gốc của chúng, người tiêu dùng phần lớn đã áp dụng biện pháp đảm bảo này. Ngoài ra, mã QR được áp dụng trên bao bì sản phẩm cho phép họ có được thông tin liên quan về sản phẩm: thành phẩm, chứng chỉ theo chuỗi, chứng nhận xuất xứ và được tư vấn về cách nấu thức ăn.
Hiện nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam qua thị trường Trung Quốc cũng gặp khó khăn khi nước này triển khai lệnh 248 về quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu và lệnh 249 về biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022
Theo Văn phòng SPS Việt Nam, với lệnh 249, thị trường sẽ tiếp tục có các điều chỉnh về các biện pháp vệ sinh dịch tễ sâu, rộng và nghiêm khắc hơn nhằm giám sát an toàn thực phẩm và kiểm dịch.
Do đó, Văn phòng SPS Việt Nam khuyến nghị cần có sự phối hợp các bên để chủ động thích ứng và đáp ứng tốt các quy định về an toàn thực phẩm, an toàn bệnh dịch. Yêu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc đối với sản phẩm ngày càng cao, đặc biệt phải là mặt hàng có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, cũng như cảnh báo về an toàn thực phẩm… nên doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc cần quan tâm để khắc phục tiêu chí chưa đạt cho phù hợp.
Thay đổi này đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cần khắt khe, chuẩn chỉnh hơn trong quá trình sản xuất, chế biến nhằm đảm bảo đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm trong xuất khẩu không chỉ sang thị trường Trung Quốc mà còn sang các thị trường khác trên thế giới.
Nguyễn Ngân