Xuất khẩu thủy sản đối diện nhiều thách thức
Biến động thị trường và giá cả đầu vào tăng cao đang tác động mạnh đến hoạt động của ngành thủy sản Việt Nam.
Khó khăn bắt đầu từ cuối năm 2022, đặc biệt là những tháng đầu năm 2023, giá trị kim ngạch giảm gần 28% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, đơn hàng xuất khẩu đã giảm 20 – 50%, lượng tồn kho tăng cao. Nguyên nhân chính là do các thị trường tiêu thụ lớn nhất như Mỹ, châu Âu giảm tiêu thụ do tác động của lạm phát toàn cầu.
Tôm là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, nhưng trong quý I chỉ đạt 600 triệu USD, giảm đến 37% so với cùng kỳ. Trong đó thị trường Mỹ giảm hơn 40%. Thị trường giảm nhu cầu, nhưng giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản tăng cao kỷ lục. Điều này dẫn đến giá thành sản phẩm thủy sản của Việt Nam rất khó cạnh tranh với Ấn Độ và Ecuador.
“Các nước đều có chính sách về giảm thuế nguyên, phụ liệu, thức ăn nuôi tôm. Họ sản xuất với giá thành thấp, nên nếu chúng ta không có giải pháp thì giá thành sản xuất tôm khó cạnh tranh”, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, đánh giá.
Lâm nghiệp, thủy sản chiếm gần 54% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Vì vậy, việc giảm mạnh ở 2 ngành này đã đặt ra những thách thức lớn về tăng trưởng. Gỡ khó cho doanh nghiệp về vốn nhằm duy trì nguyên liệu cho chế biến đang đặt ra. Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Toàn Thắng đang cân đối nguồn lực tập trung vào nâng cao chất lượng con giống.
“Con giống tốt thì tỷ lệ đạt cao, sản lượng cao dẫn đến lợi nhuận cao. Con giống nó khỏe, thuốc men sử dụng cũng ít”, anh Phạm Văn Mừng, Giám đốc HTX Thủy sản Toàn Thắng, Sóc Trăng, cho biết.
Từ kết quả sản xuất 4 tháng đầu năm, hiện nhiều doanh nghiệp, HTX thủy sản đã phải thay đổi chiến lược để thích ứng, trong đó tiết giảm chi phí chờ thời cơ thị trường. Tuy nhiên mối lo hiện nay là khả năng duy trì sản xuất và thu mua nguyên liệu. Tại Bạc Liêu, không ít cơ sở đã phơi ao, hoặc chỉ nuôi cầm chừng với diện tích nhỏ vì thiếu vốn.
Hỗ trợ vốn cho ngành thủy sản
Để đạt mục tiêu xuất khẩu cho ngành thủy sản đạt 10 tỷ USD trong năm nay, ngoài những giải pháp trọng yếu được giao cho ngành nông nghiệp, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan liên quan, các địa phương quyết liệt tháo gỡ vướng mắc về thị trường, thể chế, thuế phí; đồng thời khẩn trương nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với lãi suất thấp để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản.
Tại Phú Yên, nơi có hơn 30% doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ cả nước, kim ngạch xuất khẩu quý I giảm 35%, đa phần doanh nghiệp hoạt động cầm chừng.
Để giữ chân lao động và tiêu thụ cá ngừ cho ngư dân, doanh nghiệp chuyển hướng tăng sản xuất đóng hộp và tìm kiếm các thị trường mới, nhưng áp lực vẫn rất lớn.
Có tới 80% doanh nghiệp thủy sản là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn mỏng, phụ thuộc phần lớn vào vay ngân hàng. Hiện các doanh nghiệp thủy sản cũng kiến nghị giảm lãi suất cho vay USD xuống dưới 4% để hỗ trợ xuất khẩu.
Dù vậy nhiều ý kiến cho rằng, trong lúc nhiều doanh nghiệp chỉ duy trì được 30 – 40% công suất, cá biệt có doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động, vấn đề cốt lõi là phải nâng được khả năng hấp thụ vốn từ chính doanh nghiệp.
“Nhu cầu xuất khẩu tăng cao, phù hợp với sản xuất trong nước thì cần đẩy mạnh tập trung vốn đầu tư vào lĩnh vực đó để thúc đẩy xuất khẩu. Còn nếu lĩnh vực đó không có khả năng phát triển thì dành vốn đầu tư vào cũng không thể hấp thụ được”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, nhận định.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng kiến nghị cho các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 3 – 5 tháng cho các khoản vay đến hạn phải trả trong quý I và II này.
Giới chuyên gia khuyến nghị, trong thời điểm khó khăn, các doanh nghiệp có thể tận dụng để chuẩn bị nguyên liệu cũng như quy mô sản xuất khi thị trường bắt đầu phục hồi trở lại. Bên cạnh đó, tiết giảm chi phí sản xuất là điều mỗi doanh nghiệp cần quan tâm đặc biệt.
VTV.vn