Xuất khẩu thủy sản khó đạt mục tiêu 10 tỉ USD
Đây là nhận định của ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tại hội nghị “Vì một ngành tôm phát triển bền vững”, tổ chức ngày 24.5 ở TP.HCM.
Ông Trương Đình Hòe cho rằng, mục tiêu xuất khẩu đặt ra với ngành thủy sản trong năm 2023 là 10 tỉ USD, nhiều khả năng sẽ không đạt được. Nguyên nhân đến hết tháng 4, toàn ngành mới chỉ đạt 2,6 tỉ USD, giảm đến 30% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm xảy ra đối với tất cả các sản phẩm và phần lớn các thị trường đặc biệt là các thị trường trọng điểm như: Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản… Trong khi thị trường vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục tích cực.
Theo đại diện VASEP, tôm là mặt hàng chủ lực với kim ngạch thường xuyên chiếm từ 40 – 45% tổng giá trị xuất khẩu của ngành thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm nay tổng giá trị xuất khẩu tôm mới đạt 887 triệu USD, giảm đến 37% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, xuất khẩu đang rơi vào vòng luẩn quẩn là cần “đẩy” hàng ra để quay vòng vốn vì nếu không có tiền đáo nợ ngân hàng sẽ bị “nhảy nhóm” rơi vào nhóm nợ xấu, sau này rất khó tiếp cận vốn. Sản phẩm bán rẻ thì khách hàng lại càng giảm mua do lo xu hướng giảm sẽ tiếp tục dẫn đến lỗ vốn. Những khó khăn đó đã lan đến người nuôi tôm, cá và hệ quả hiện nay giá tôm cá nguyên liệu đã giảm nhưng doanh nghiệp không có tiền và cũng không dám mua vào để tạm trữ chờ giá.
Các doanh nghiệp cho rằng, ngoài các yếu tố khách quan chung của nền kinh tế Việt Nam và thế giới như sức mua giảm do suy thoái kinh tế dẫn đến thiếu đơn hàng, khó tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp… thì ngành tôm còn đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ như Indonesia, Ấn Độ và Ecuador. Các nước này có giá thành sản xuất tôm hiện thấp hơn Việt Nam bình quân khoảng 20 – 30%. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, giá rẻ là lợi thế rất lớn. Mặt khác, thế mạnh của Việt Nam là chế biến sâu cũng có nguy cơ bị mất đi khi các đổi thủ đang đẩy mạnh đầu tư vào phân khúc này.
Đại diện nhiều doanh nghiệp đánh giá, nếu Việt Nam không cải thiện và nâng cấp ngành tôm từ khâu quy hoạch vùng nuôi, sản xuất con giống, giảm giá thức ăn nhằm hạ giá thành sản xuất thì khả năng sẽ bị tụt hậu giống như Thái Lan trước đây. Thời gian qua trực tiếp một số lãnh đạo doanh nghiệp đã nỗ lực phối hợp với các địa phương để làm quy hoạch vùng nuôi, sản xuất con giống… nhưng hiệu quả chưa cao vì vẫn còn mang tính chất manh mún. Tuy nhiên, để vực dậy cả ngành này cần phải có sự tham gia vào cuộc từ các bộ ngành trung ương với định hướng rõ ràng về một ngành tôm phát triển bền vững.
Minh Đăng