Xuất khẩu thủy sản dự báo tăng mạnh
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nhiều loại hàng hóa của Việt Nam. Vì vậy, việc nước này mở cửa thị trường trở lại từ ngày 8/1/2023 mang đến kỳ vọng lớn cho các doanh nghiệp ngành hàng, trong đó có thủy sản.
Nhiều cơ hội
Bà Lê Hằng – Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho rằng, khi Trung Quốc mở cửa, nhu cầu tiêu thụ thủy sản sẽ bùng nổ.
“Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng, Trung Quốc sẽ là điểm đến tiềm năng của DN thủy sản Việt Nam trong năm 2023 nhờ nhu cầu bùng nổ, vị trí địa lý gần, chi phí logistics và rủi ro thấp hơn các thị trường khác” – bà Hằng nói.
Đồng quan điểm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Bá Ánh cho biết, dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ sau khi Trung Quốc mở cửa biên giới từ ngày 8/1/2023. Trong đó, sản phẩm được dự báo tăng mạnh gồm: Tôm hùm, tôm thẻ, tôm sú, cua…
Trên thực tế, Trung Quốc là thị trường có sức tiêu thụ rất lớn. Dự báo sau khi gỡ bỏ các biện pháp chống dịch Covid-19, hệ thống nhà hàng, cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống ở Trung Quốc hoạt động trở lại, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hải sản tươi sống cao cấp sẽ tăng rất cao.
Đáng chú ý, thời gian qua dù chịu tác động của chính sách “Zero Covid-19”, Trung Quốc và Việt Nam vẫn duy trì việc đăng ký, cấp phép cho các DN hai nước được xuất nhập khẩu thủy sản. Đến nay, Trung Quốc đã công nhận, cấp phép cho 802 DN Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng công nhận, cấp phép cho 780 DN Trung Quốc.
Theo VNDirect, Trung Quốc mở cửa sẽ là một trong những động lực lớn nhất hỗ trợ cho việc tăng trưởng sản lượng xuất khẩu của các DN trong ngành thủy sản, dệt may và cao su. Đặc biệt, những DN có tỷ trọng doanh thu và thị phần lớn ở thị trường này sẽ là những DN được hưởng lợi nhiều hơn.
Doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội
Số liệu từ VASEP, tháng 12/2022, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 785 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù xuất khẩu sang hầu hết các thị trường đều sụt giảm nhưng xuất khẩu sang Trung Quốc (gồm Hồng Kông) vẫn tăng 17%, mở ra tín hiệu lạc quan về thị trường này trong thời gian tới. Cả năm 2022, thị trường này đã mang về trên 1,8 tỷ USD cho ngành thủy sản Việt Nam, tăng 59% so với năm 2021. Do đó, khi mở cửa thì sẽ tạo thuận lợi cho thủy sản, trong đó, các mặt hàng này dự kiến sẽ tăng mạnh.
Để tăng trưởng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD trong năm 2023, ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký VASEP cho rằng, thời gian tới DN cần có biện pháp đặc thù để tiếp thị vào thị trường Trung Quốc hiệu quả hơn so với hiện nay, trong đó có thiết lập cơ quan bán hàng trực tiếp của người Việt.
Vẫn theo ông Hòe, hiện thị trường Trung Quốc với hơn 1,4 tỷ dân, diện tích 1 tỉnh cũng đã rất lớn. Do đó, các DN cần tìm hiểu rõ chính sách của từng địa phương để có sách lược phù hợp với từng sản phẩm. Đặc biệt với sản phẩm tôm cần tính toán kỹ hơn vì cạnh tranh từ Ecuador và Ấn Độ đang tăng lên.
Các chuyên gia nhận định, khi kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại thì động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rất lớn, không chỉ tác động nhiều đến năng lực sản xuất kinh doanh mà còn cải thiện khả năng thực hiện của các DN sản xuất. Để tận dụng cơ hội này, DN nên có sự chuẩn bị kỹ từ nhân sự, nguồn lực, đối tác. Trong đó, DN cần đầu tư cho sản xuất, nuôi trồng để chiếm lĩnh thị phần, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, với công tác xúc tiến thương mại, với thị trường Trung Quốc, DN cần hướng tới việc tìm kiếm đối tác sâu trong nội địa.
“Trung Quốc sẽ là thị trường tiềm năng cho DN thủy sản. Đó là vị trí địa lý gần Việt Nam nên chi phí về logistics và những rủi ro khác sẽ không chịu tác động từ lạm phát kéo dài như các thị trường như Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU). Về yếu tố kinh tế, Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại chắc chắn thị trường sẽ bùng nổ mạnh mẽ về mặt nhu cầu, vì vậy, các DN cần tận dụng tốt cơ hội này” – đại diện VASEP nói.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, việc Trung Quốc, thị trường hơn 1,4 tỷ dân mở cửa có ý nghĩa quan trọng với ngành nông nghiệp nước ta. Cần nhanh chóng chuẩn bị nguồn nguyên liệu, hàng hóa đạt chất lượng để tận dụng được tối đa cơ hội ngay khi thị trường mở cửa hoàn toàn.
Theo bà Lê Hằng – Giám đốc Truyền thông VASEP, thị trường Trung Quốc thời gian tới phụ thuộc đáng kể vào việc nước này có điều chỉnh chính sách kiểm soát Covid-19 hay không và hướng điều chỉnh như thế nào. Vì vậy, DN thuỷ sản Việt Nam sẽ phải có những thay đổi về quan điểm, tâm thế, tiếp cận sâu hơn vào thị trường, tiếp cận một cách chi tiết hơn tới từng phân khúc của các thị trường địa phương tại Trung Quốc. Đồng thời, các DN thủy sản sẽ phải tăng chế biến sâu và chế biến sản phẩm cho các nước khác, hướng tới đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản của thế giới.
KHANH LÊ