Ứng dụng công nghệ xây dựng vùng nguyên liệu tôm chất lượng cao
Với mục tiêu xuất khẩu đạt giá trị kim ngạch 10 tỷ USD vào năm 2025, các doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến xuất khẩu tôm Việt đang nỗ lực đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu công nghệ cao.
Với mục tiêu xuất khẩu đạt giá trị kim ngạch 10 tỷ USD vào năm 2025, các doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến xuất khẩu tôm Việt Nam đang nỗ lực đầu tư công nghệ vào sản xuất, đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu và tiêu dùng trong nước.
Ghi nhận của phóng viên về các dự án, vùng nuôi tôm nguyên liệu của doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam cho thấy, việc ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng, chế biến xuất khẩu đang được phát triển khá tốt.
Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào tất cả các khâu từ ương giống, nuôi trồng, chế biến xuất khẩu đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Dù ngành sản xuất tôm nguyên liệu trong nước đã tự chủ nhiều trong việc tạo ra con tôm chất lượng, nhưng cho đến nay, con giống tôm vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nguồn giống nhập khẩu.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để có con tôm nguyên liệu chất lượng thì con giống bố mẹ phải đạt chất lượng cao mới mang lại hiệu quả trong sản xuất.
Chủ động nguồn giống
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2017 đạt 3,85 tỷ USD.
Tuy nhiên, ngoài nguồn nguyên liệu tự chủ trong nước, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tôm nguyên liệu từ Ecuador để phục vụ cho chế biến xuất khẩu.
Mặt khác, nguồn tôm giống phục vụ cho sản xuất tôm nguyên liệu trong nước trong năm 2017 cũng phải nhập khẩu mới đáp ứng đủ nhu cầu nuôi.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, muốn ngành sản xuất, xuất khẩu tôm đạt hiệu quả cao thì chính thị trường trong nước phải chủ động nhiều khâu như con giống, công nghệ, kỹ thuật phòng chống dịch bệnh, giảm thiểu chi phí sản xuất…
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu xuất khẩu tôm 10 tỷ USD vào năm 2025, cả nước cần khoảng 500.000-600.000 con tôm bố mẹ. Trong khi đó, nguồn lực sản xuất tôm bố mẹ trong nước hiện chỉ đáp ứng một phần nhỏ so với nhu cầu trên.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất tôm bố mẹ, cung ứng cho nhu cầu sản xuất hiện nay.
Trước nhu cầu này, Tập đoàn Việt-Úc đã chủ động đầu tư công nghệ sản xuất con tôm giống cho Việt Nam.
Theo ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Việt-Úc, trước đây, nguồn tôm bố mẹ của Việt Nam hoàn toàn phải nhập khẩu từ Mỹ, Singapore, Thái Lan… nên con tôm giống thường biến động về giá cũng như số lượng, người nuôi tôm khó chủ động trong việc lập kế hoạch sản xuất, gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả nuôi tôm.
Vì vậy, Tập đoàn Việt-Úc đã tìm hiểu công nghệ di truyền phân tử sản xuất tôm giống trong thời gian dài. Đến cuối năm 2017, Việt-Úc có thể nghiên cứu được con tôm bố mẹ thế hệ G7 chất lượng cao, được gắn chíp theo dõi thông tin chi tiết như cân nặng, hệ số cận huyết, nguồn gốc…
Con tôm bố mẹ này có tỷ lệ tăng trưởng tốt hơn thế hệ tôm bố mẹ đầu tiên là 48%. Ước tính, với thế hệ tôm bố mẹ G7, có thể cung ứng khoảng 50 tỷ con tôm giống mỗi năm cho các hộ nuôi tôm khắp các tỉnh, thành phố trong nước.
Theo tiến độ sản xuất và cung ứng tôm bố mẹ hiện nay, từ năm 2018 đến năm 2020, Việt Nam có thể tự chủ hoàn toàn nguồn tôm bố mẹ, là yếu tố quan trọng để thực hiện khát vọng nâng tầm tôm Việt, để đạt mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã “đặt hàng” là kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD vào năm 2025.
Giảm giá thành sản xuất
Một trong các yếu tố góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và tăng lợi nhuận cho ngành tôm là đầu tư công nghệ cao nhưng giảm giá thành sản xuất. Nuôi tôm công nghệ cao ngoài việc đầu tư thiết bị kỹ thuật, việc tiết kiệm năng lượng trong nuôi tôm cũng không hề đơn giản.
Nếu như các doanh nghiệp lớn có đủ kinh phí và tiềm lực đầu tư, đổi mới công nghệ, thì những doanh nghiệp nhỏ và các hộ nuôi tôm phải nhờ đến sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng mới có thể tiếp cận kỹ thuật nuôi tôm tiên tiến.
Thấu hiểu được khó khăn về chi phí sản xuất của người nuôi tôm hiện nay, Tổng công ty Điện lực Việt Nam đã có dự án hỗ trợ kinh phí thay thế thiết bị quạt nước lắp đặt tại các ao tôm, nhằm giảm chi phí năng lượng trong nuôi tôm.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, Tập đoàn điện lực Việt Nam đã thực hiện thí điểm với 161 hộ nuôi tôm, tổng diện tích hơn 200 ha tại tỉnh Sóc Trăng, cải tiến hệ thống dàn quạt tạo oxy, thay thế gối đỡ con lăn cho 1.800 dàn quạt trong ao tôm.
Sau một vụ tôm, các hộ này giảm 38,7% chi phí năng lượng, tiết kiệm gần 1.500MWh, tương ứng với 2,5 tỷ đồng chi phí nuôi tôm.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã ứng dụng điện toán đám mây, thu thập dữ liệu từ các ao nuôi tôm thông qua các thiết bị di động, các bộ cảm biến và thiết bị cho ăn tự động.
Từ đó, ghi lại dữ liệu về kích cỡ con tôm, chất lượng nước, hình thái cho ăn, các điều kiện về sức khỏe và thời tiết vào quản lý các ao nuôi, giúp người nuôi cắt giảm nhiều khoản chi phí nhân công, dễ dàng quản lý dịch bệnh trên tôm, giảm lượng thuốc kháng sinh và hóa chất sử dụng tại ao nuôi.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP dự báo, sản lượng tôm thế giới tiếp tục tăng và khối lượng tôm từ Ecuador, Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ sẽ tăng trong những tháng tới của năm nay, nguồn cung tôm nguyên liệu sẽ tăng, làm cho giá bán có thể giảm 5% so với năm 2017.
Vì vậy, giá thành sản xuất tôm nguyên liệu và giá bán ra sẽ tạo áp lực lớn cho người nuôi tôm.
Với cách thức sản xuất giảm giá thành, giảm chi phí trong từng khâu nuôi tôm đến mức thấp nhất sẽ giúp người nuôi tôm Việt Nam có lợi thế hơn trong cạnh tranh, vẫn bảo toàn lợi nhuận dù giá bán ra giảm hơn so với trước.
Theo Hồng Nhung/Vietnamplus.vn