Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tạo ra “thiên thời” cho doanh nghiệp cá tra Việt Nam
Trung Quốc đã giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng cá tra fillet và cá đông lạnh. Trong khi đó, Trung Quốc đang nắm giữ thị phần mặt hàng cá tra cao cấp xuất sang Mỹ. Nếu Mỹ áp thuế cho ngành cá tra Trung Quốc thì Việt Nam có cơ hội chiếm lĩnh 2 thị trường nhất-nhì thế giới về tiêu thụ cá tra.
Tin video
[su_youtube url=”https://www.youtube.com/embed/KfqDo2GayRU” autoplay=”yes”]
Động lực đến từ thị trường tỷ dân
Năm 2017, Trung Quốc vượt qua Mỹ để trở thành nhà nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu(XK) cá tra sang thị trường Trung Quốc – Hồng Kông trong năm 2017 đạt 410,8 triệu USD, tăng 34,8% so với năm 2016, chiếm 23% tổng giá trị XK.
Do tình hình ô nhiễm môi trường gia tăng, diện tích nuôi trồng ngày càng co hẹp cùng với sự dịch chuyển khẩu vị sang từ gia súc sang thủy sản, dự kiến nhập khẩu cá tra của TQ tiếp tục tăng trong năm nay. Trong 4 tháng đầu năm 2018, XK sang Trung Quốc đạt 146 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Một tin vui khác đến với ngành thủy sản Việt Nam nói chung và với các nhà xuất khẩu cá tra nói riêng. Ngày 31/5, Bộ Tài chính Trung Quốc đã công bố giảm thuế nhập khẩu đối với 221 mặt hàng thủy, hải sản đến từ các quốc gia ưu tiên (các quốc gia là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới-WTO). Thuế nhập khẩu cá tra fillet (mã số 03046290) sẽ giảm từ 10% xuống 7%, trong khi thuế nhập khẩu cá tra tươi hoặc ướp lạnh giảm từ 12% xuống 7%. Việc cắt giảm thuế sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cải thiện được biên lợi nhuận và thúc đẩy việc phát triển thị trường tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Ảnh hưởng của thị trường Mỹ, đồng đô la và chiến tranh thương mại
Tuy đã mất ngôi vị số 1 nhưng Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu quan trọng của cá tra Việt Nam. Tuy vậy, sau khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá sau kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR 13) thì chỉ có 2 doanh nghiệp là Vĩnh Hoàn và Biển Đông có thể trụ lại tại thị trường này do nhận được mức thuế theo thỏa thuận.
Tổng giá trị XK sang thị trường Mỹ của cả ngành đạt 75 triệu USD trong Q1/2018, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Vĩnh Hoàn với lợi thế sẵn có tại thị trường này đã đạt được mức tăng trưởng doanh thu tới 81% và chiếm khoảng 60% thị phần xuất khẩu cá tra vào Mỹ. Thời gian gần đây đồng bạc xanh đã tăng giá rất mạnh so với các đồng tiền khác do chỉ số USD-Index đã tăng gần 6% so với đầu năm. Dù mới chỉ tăng 0,8% so với VND, nhưng theo nhiều chuyên gia kinh tế tỷ giá có thể sẽ tiếp tục biến động trong giai đoạn cuối năm theo hướng có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Cá tra cũng là ngành có thể được hưởng lợi trong cuộc chiến tranh thương mại ngày càng căng thẳng giữa Mỹ- Trung. Hiện tại, Việt Nam chiếm 90% thị phần xuất khẩu cá tra vào Mỹ và Trung Quốc chỉ chiếm 10% còn lại. Tuy nhiên, Trung Quốc hầu như chỉ xuất khẩu các mặt hàng giá trị gia tăng, sản phẩm chế biến sẵn nên giá thành cá tra của họ cao gần gấp đôi so với cá tra Việt Nam. Đây là vấn đề nhức nhối không chỉ với cá tra mà còn là vấn đề của nhiều loại nông sản Việt Nam khi chúng ta thường chỉ bán được sản phẩm đại trà, còn thị trường cao cấp phải nhường cho người khác.
Trên thực tế, Vĩnh Hoàn cũng đã tập trung đẩy mạnh sản xuất các loại mặt hàng giá trị gia tăng, sản phẩm chế biến (ready to eat, ready to cook) với chất lượng cao . Mặt hàng này kỳ vọng sẽ mang lại 10% doanh thu cho công ty. Nếu Mỹ áp thuế cho mặt hàng cá tra hay các sản phẩm thay thế như cá rô phi từ Trung Quốc thì đây sẽ là cơ hội cho những doanh nghiệp như Vĩnh Hoàn hay Biển Đông để chiếm lĩnh nốt thị phần của thị trường tiêu thụ cá tra lớn thứ nhì thế giới.
Bức tranh thị phần đã thay đổi
Theo báo cáo IR mới nhất của Vĩnh Hoàn (VHC) thì thủy sản Hùng Vương đã “bật bãi” khỏi top 5 doanh nghiệp có sản lượng xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2018. Vĩnh Hoàn vẫn vững vàng ở ngôi vị số 1, thậm chí thị phần của công ty này tiếp tục tăng nhẹ từ 14,8% trong năm trước lên mức 15,2% trong 4 tháng đầu năm nay. Biển Đông cũng gia tăng thị phần thêm 1% (lên 7%) để giữ vững ngôi vị số 2. Tuy nhiên, các vị trí sau đó đã có sự thay đổi, Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia (IDI) có mức doanh thu ấn tượng để vượt qua Hùng Vương và Nam Việt (ANV) giữ vị trí thứ 3. Ấn tượng nhất là mức tăng trưởng 104% của Trường Giang để giúp doanh nghiệp này lọt vào top 5.
Sự tăng trưởng của IDI và Trường Giang có sự đóng góp rất lớn đến từ Trung Quốc khi đây là 2 doanh nghiệp chiếm thị phần nhập khẩu cá tra lớn nhất của thị trường này với 14% (IDI) và 10% (Trường Giang). Sản phẩm xuất khẩu của IDI sang Trung Quốc chủ yếu là cá nguyên con, mang lại biên lợi nhuận thấp hơn so với cá tra fillet. Vĩnh Hoàn theo ngay sau với thị phần khoảng 8%, tuy nhiên Vĩnh Hoàn chủ yếu bán cá fillet và các sản phẩm giá trị gia tăng, những mặt hàng mang lại biên lợi nhuận tốt hơn.
Theo báo cáo tài chính quý 1/2018, lãi ròng của IDI tới gần 166 tỷ đồng, gấp gần 7 lần cùng kỳ. ANV cũng có mức tăng trưởng vượt trội với 76 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, VHC công bố lợi nhuận sau thuế chỉ gần 98 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu loại trừ khoản giảm trừ lợi thế thương mại (giảm tỉ lệ sở hữu tại Vạn Đức Tiền Giang từ 100% xuống 35%) thì lợi nhuận thuần của Vĩnh Hoàn trong quý 1 đạt 180,3 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước.
Biên lợi nhuận gộp (BLNG) của các doanh nghiệp trên sàn cũng có sự cải thiện so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, IDI có mức tăng BLNG nhiều nhất khi đạt mức 18,2% trong Q1/2018 trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 8,4%. Đặc biệt, mảng kinh doanh thành phẩm- mảng doanh thu lớn của công ty này có BLNG lên tới 26,5%.
Nam Việt cũng ghi nhận mức BLNG gia tăng từ 12,5% lên 17% trong Q1/2018, chỉ riêng Vĩnh Hoàn có mức BLNG sụt giảm. Nguyên nhân là do quý này công ty trích lập dự phòng 8,6 tỷ đồng trong khi quý 1/2017 công ty ghi nhận khoản hoàn nhập 28,7 tỷ đồng.
Theo thông tin từ VASEP, giá con giống cá tra trong quý 1 tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, giá cá nguyên liệu cũng neo ở mức kỉ lục 30.000-33.000 đồng/kg. IDI đạt được mức BLNG ấn tượng là do công ty có nguồn nguyên liệu dồi dào thông qua hình thức nuôi liên kết, giá chốt mua lại từ hộ nông dân ở mức 22.000-24.000 đồng/kg, vùng nuôi và nuôi liên kết cung cấp 78% nguyên liệu cho IDI. Nam Việt là doanh nghiệp duy nhất tự chủ hoàn toàn nguyên liệu với 250ha nuôi cá nguyên liệu, VDSC dự báo biên lợi nhuận của công ty sẽ đạt mức 17,5% cho cả năm 2018.
Trong khi đó Vĩnh Hoàn mới chỉ tự chủ được 30% con giống và 65% đầu vào nên biên lợi nhuận chưa được cải thiện. Với việc đầu tư mở rộng 220 ha vùng nuôi trong năm nay, dự kiến đến 2019 Vĩnh Hoàn có thể tự chủ đến 70% nguyên liệu đầu vào.
Giá cá tra nguyện liệu có xu hướng giảm trong quý 2 hàng năm
Chu kỳ thu hoạch từ con giống đến cá thành phẩm là khoảng 6-7 tháng. Sau thời gian tăng nóng trong những tháng đầu năm, giá cá tra giống đã giảm 60-70% so với lúc đỉnh điểm giai đoạn đầu năm. Tính tới thời điểm hiện tại, giá cá tra nguyên liệu đã có tuần giảm thứ 5 liên tiếp. Ngoài ra, sản lượng thu hoạch trong thời gian tới cũng tăng lên do cách doanh nghiệp chủ động phát triển vùng nuôi trong quý 1 và nhiều hộ dân trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long mở rộng ương nuôi cá tra trong thời gian qua.
Nhu cầu tại các thị trường trọng điểm đều gia tăng, giá USD tăng, thuế nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc giảm cùng với việc giá nguyên liệu đầu vào có xu hướng giảm, dự kiến doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới.
Theo Nhịp sống kinh tế