Doanh nghiệp thủy sản hồi sinh, báo lãi kỷ lục
Trong bối cảnh thị trường xôn xao về một công ty thuỷ sản đã dự tính sẽ hoàn tất thủ tục pháp lý để mở thủ tục phá sản cho công ty trong năm 2022 sau khi chịu cảnh lỗ luỹ kế gần 1.400 tỉ đồng thì cũng có trường hợp một doanh nghiệp khác trong ngành vừa báo lãi quý III/2022 với lợi nhuận tăng hơn 1.700%.
Lợi nhuận, chi phí đều tăng vọt
Công ty cổ phần Thủy sản Mekong (mã chứng khoán: AAM) là một trong số các doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2022 sớm nhất trên sàn giao dịch chứng khoán và cũng là trường hợp hiếm hoi của đợt báo cáo này có kết quả kinh doanh khả quan với mức tăng mạnh hơn 1.700% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, báo cáo tài chính quý III năm nay của AAM cho thấy, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế của doanh nghiệp này đạt 2,98 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt hơn 142 triệu đồng, tăng 1.098%; lợi nhuận sau thuế đạt 2,6 tỉ đồng tăng 1.767% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả khả quan này đã giúp lãi luỹ kết từ đầu năm tới hết quý III của AAM lên gần 14 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 4 tỉ đồng.
Giải trình về biến động lợi nhuận, Chủ tịch HĐQT Lương Hoàng Minh lý giải ngắn gọn nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận tăng thần tốc như vậy là do doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ quý III năm nay tăng 236,98% khi đạt 32,6 tỉ đồng. Trong khi đó, theo báo cáo tài chính quý III vừa được AAM công bố, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 46,36 tỉ đồng nhưng giá vốn bán hàng cũng tăng mạnh 1.943% lên 41,2 tỉ đồng khiến lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ còn hơn 5,1 tỉ đồng. Dù vậy, lợi nhuận gộp bán hàng vẫn cao hơn rất nhiều so với mức âm 189 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, trong kỳ AAM ghi nhận doanh thu hoạt dộng tài chính đạt 487,4 triệu đồng, giảm 4.225% so với cùng kỳ năm trước, nhưng AAM cũng là doanh nghiệp hiếm hoi không phát sinh chi phí lãi vay.
Đóng góp vào doanh thu của doanh nghiệp này còn có thu nhập khác gần 1,8 tỉ đồng và lợi nhuận khác hơn 1,7 tỉ đồng; tuy nhiên, chi phí bán hàng lại tăng hơn gấp đôi lên gần 2,6 tỉ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng hơn gấp đôi lên gần 1,8 tỉ đồng.
Kết quả kinh doanh khởi sắc
Trong kỳ, dù lưu chuyển từ hoạt động tài chính là hơn 47,8 tỉ đồng nhưng lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư lại âm tới hơn 88,5 tỉ đồng khiến lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 40,6 tỉ đồng. Cuối kỳ, tiền và tương đương kỳ của AAM là 21,6 tỉ đồng, bằng 1/3 so với số đầu năm nay.
Trong các khoản đầu tư của AAM, đáng chú ý là khoản đầu tư ngắn hạn vào 237.082 cổ phiếu của Công ty cổ phần thuỷ sản Cửu Long với giá trị hơn 4,1 tỉ đồng, không đổi so với đầu năm. AAM không ghi nhận khoản dự phòng cho số tiền đầu tư vào CLP này. Trong bản thuyết minh, khi đánh giá về rủi ro về khoản đầu tư vào cổ phiếu, AAM cho biết, nếu giá cổ phiếu tăng/giảm 10% thì lợi nhuận sau thuế của công ty cũng sẽ tăng/giảm tương ứng khoảng 330,8 triệu đồng. Cổ phiếu của Công ty cổ phần thuỷ sản Cửu Long có mã là CLP, đã bị huỷ niêm yết bắt buộc từ 15.5.2014. Sau khi bị huỷ niêm yết bắt buộc, các giao dịch đối với mã này không được công khai nên khả năng đánh giá của nhà đầu tư đối với hiệu quả của khoản đầu tư của AAM vào mã chứng khoán CLP khó khăn hơn so với việc đầu tư vào các mã chứng khoán đang niêm yết trên sàn tập trung. Trong phiên giao dịch cuối cùng trước khi bị huỷ niêm yết, CLP được giao dịch với giá 3.400 đồng/cổ phiếu.
Trong kỳ, AAM có một khoản đầu tư dài hạn duy nhất vào công ty liên kết là Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Motilen Cần Thơ trị giá 10,7 tỉ đồng để sở hữu 647.781 cổ phiếu của công ty này và một khoản ghi nhận là lãi chênh lệch tỉ giá đã thực hiện lên tới 349,5 triệu đồng, tương đương bằng gần một nửa lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh là 712 triệu đồng.
Kết quả kinh doanh của AAM khởi sắc theo xu hướng chung của đa số các doanh nghiệp thuỷ sản từ sau khi kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19. Trong quý II năm nay, AAM cũng đã báo lãi kỷ lục 8,8 tỉ đồng. Lãi ròng trong 9 tháng đầu năm của doanh nghiệp này đã ghi nhận 14 tỉ đồng.
Tuy nhiên, trong khi kết quả kinh doanh khởi sắc, bà Châu Thị Yến – vợ Phó Chủ tịch công ty này hồi tháng 8 đã bán ra 50.000 cổ phiếu AAM nhưng do giá bán chưa đáp ứng được kỳ vọng nên bà Yến đã không thực hiện giao dịch hết số lượng cổ phiếu đã đăng ký. Trong thời gian này, cổ phiếu AAM đã được đưa ra khỏi diện cảnh báo nhờ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 30.6 là 9,14 tỉ đồng và có ý kiến kiểm toán là chấp thuận toàn phần căn cứ báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022.
Trước đó, bà Châu Thị Yến đã liên tục đăng ký bán cổ phiếu vào tháng 5 và tháng 6 nhưng các giao dịch đều chỉ được thực hiện một phần, không được hoàn tất do giá bán chưa đạt được kỳ vọng. Trước khi đăng bán, bà Yến sở hữu 134.986 cổ phiếu tương đương 1,29% vốn của Thuỷ sản Mekong. Sau khi bán 25.100 cổ phiếu, bà Yến vẫn nắm giữ 109.886 cổ phiếu, chiếm tỉ lệ 1,05%.