Doanh nghiệp thủy sản xanh là hướng chọn lựa tốt nhất để xuất khẩu bền vững
(HQ Online) – Nhiều doanh nghiệp thủy sản, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu đang đầu tư sản xuất theo xu hướng sản xuất xanh, nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu bền vững.
Doanh nghiệp sản xuất xanh
Theo ông Hồ Quốc Lực, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, thời gian qua, phong trào làm điện áp mái khá phổ biến ở các doanh nghiệp chế biết, xuất khẩu thủy sản. Điều này góp phần vào tỉ lệ sử dụng điện tái tạo. Phần cần bù thêm để đạt tiêu chí phải giải quyết ở sự chuẩn bị tầm vĩ mô. Bộ Công Thương rất quan tâm vấn đề này khi điện tái tạo được chú ý chỉ tiêu tăng trưởng và đồng bộ là hệ thống kết nối.
Việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng đã được các doanh nghiệp thủy sản chú trọng trong gần 20 năm qua thông qua các chương trình sản xuất sạch, chú trọng nhất là tiết kiệm điện và nước. Việc tiết kiệm nước cũng nằm trong tiêu chí thứ tư là sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn tài nguyên. Ở tiêu chí ba, tái chế và tuần hoàn, các DN thủy sản đang thực hiện khá tốt. Điển hình là phụ phẩm cá tôm trở thành nguyên liệu để tiếp tục sản xuất ra các sản phẩm hữu ích, không để phụ phẩm gây tác hại môi trường mà còn tạo ra giá trị nâng cao hiệu quả hoạt động. Bao bì thủy sản cũng dễ tái chế vì chỉ là giấy và nhựa, góp phần giảm rác thải ra môi trường.
Việc hướng dẫn sản xuất xanh không chỉ doanh nghiệp mà cần sự chung tay của cả ngành. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, để chuyển đổi xanh của ngành thủy sản, cần thực hiện các mục tiêu cốt lõi, như: Mở rộng mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững, quản lý hiệu quả tất cả nghề cá và nâng cấp các chuỗi giá trị trong hệ thống thức ăn thủy sản.
Trong 10 năm tới, mục tiêu của nuôi trồng thủy sản phải mở rộng bền vững để đáp ứng khoảng cách về nhu cầu thức ăn thủy sản trên toàn cầu, đặc biệt là ở các vùng thiếu lương thực, đồng thời tạo ra nguồn thu nhập và việc làm mới. Điều này đòi hỏi phải cập nhật quản lý việc nuôi trồng thủy sản bằng cách thúc đẩy cải thiện quy hoạch, khung pháp lý và thể chế, chính sách.
Theo ông Hồ Quốc Lực, cũng cần lưu ý thêm, doanh nghiệp xanh vẫn chưa đủ, cần cả chuỗi giá trị xanh, bởi các mắt xích trong chuỗi giá trị có liên quan mật thiết với nhau và ảnh hưởng nhau không nhỏ. Để thực hiện đòi hỏi các doanh nghiệp trong chuỗi phải xanh đồng bộ. Các doanh nghiệp cung ứng con giống, thức ăn, chế phẩm nuôi, các cơ sở nuôi đều phải có tiêu chí cụ thể để thực hiện và thống nhất trong cả chuỗi. Nếu đáp ứng được đòi hỏi này chắc chắn sẽ tăng sức cạnh tranh mạnh mẽ cho ngành thủy sản Việt Nam.
Hiện nay, VCCI đã có bộ tiêu chí doanh nghiệp bền vững (CSI) là nền tảng để trở thành doanh nghiệp xanh. Các doanh nghiệp thủy sản có thể đi theo hướng thực hiện bộ tiêu chí này sẽ sớm đạt kỳ vọng thay vì chờ đợi bộ tiêu chí riêng của ngành.
Xuất khẩu bền vững
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho rằng, biến đổi khí hậu đặt ra yêu cầu cấp bách của việc bảo vệ môi trường, hướng đến sản xuất xanh, nhằm xuất khẩu bền vững.
Lấy dẫn chứng từ các nước EU, bà Minh cho biết, EU một lần nữa đi tiên phong trong vấn đề tiêu chuẩn. Năm 2019, EU đã khởi động chiến dịch thỏa thuận xanh châu Âu (EGD). Trong các quy định cốt lõi, nổi bật lên là chiến lược Farm to Fork (F2F- hệ thống thực phẩm công bằng, lành mạnh và thân thiện với môi trường). F2F hướng đến năm 2030 giảm 50% sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, giảm 50% doanh số bán thuốc kháng sinh cho động vật, giảm sử dụng phân bón ít nhất 20%; 25% diện tích đất nông nghiệp là chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ… EU sẽ tiến đến yêu cầu các nước khác thực hiện tương tự nếu không sẽ đánh thuế môi trường.
Vậy, thủy sản Việt Nam sẽ làm gì để vượt qua rào cản này? Chờ quy định của nước nhập khẩu để tuân theo thực hiện với chi phí không nhỏ để rồi thụ động lệ thuộc hay các doanh nghiệp sẽ chủ động để nhân thách thức này xây dựng thương hiệu xanh của thủy sản Việt Nam trên nền tảng một bộ tiêu chuẩn sản xuất thương mại thủy sản xanh. Đồng thời, xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp thủy sản cùng chung tay xây dựng, bảo vệ và phát triển cộng đồng thủy sản xanh trên nền tảng quy tắc ứng xử chung, đồng thời đóng góp cho việc gìn giữ môi trường trong lành chung.
Nên việc EU sắp áp đặt F2F cho thực phẩm nhập khẩu, thì thay vì chờ để họ áp đặt, doanh nghiệp Việt Nam chủ động xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp trên nền tảng các Tiêu chuẩn phù hợp thể hiện qua dấu hiệu chung là nhãn xanh, phối hợp và chia sẻ trên nền tảng quy tắc ứng xử, triển khai chương trình marketing- truyền thông đến đối tượng tiêu dùng thích hợp, là cơ hội để thủy sản xây dựng cộng đồng sản xuất thực phẩm xanh thực sự có nội lực để bứt phá, vượt qua mọi thách thức đạt tới những tầm cao mới.
Theo đại diện VASEP, minh chứng từ thực tế cho thấy, thực hiện chiến lược xuất khẩu xanh không chỉ giúp các doanh nghiệp có dấu ấn về lợi thế cạnh tranh đạt được mà còn tăng cường hiệu suất tài chính, các nhà quản lý doanh nghiệp chế biến thủy sản nên chủ động chuyển đổi sang chiến lược xuất khẩu xanh để nắm giữ những lợi thế này và tăng cường năng lực cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, để áp dụng một chiến lược như vậy, “sự nhạy cảm đối với vấn đề môi trường” của các nhà quản lý đóng vai trò tiên quyết nên các nhà quản lý cần tăng cường tính nhạy cảm và cam kết đối với các vấn đề xanh, đặc biệt là trong phòng, ban xuất khẩu của doanh nghiệp…
Lê Thu