Giá cá tra có thể đạt 35.000 đồng/kg, doanh nghiệp ‘đói’ nguyên liệu
Doanh nghiệp “đói” nguyên liệu
Theo ông Doãn Tới, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nam Việt, giá cá tra trong những ngày gần đây bất ngờ tăng mạnh, từ 28.000 đồng/kg đã tăng lên 31.000 – 32.000 đồng/kg, các nhà máy chế biến thủy sản không mua được nguyên liệu, bởi người nuôi giữ cá, chờ tăng giá. Giá cá tăng cao do thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại (từ ngày 8/1/2023).
Đặc biệt, thông qua Hội nghị thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt – Trung vừa diễn ra, Trung Quốc đã đẩy mạnh mua cá tra với số lượng lớn, khiến thị trường rơi vào tình trạng cung không đủ cầu.
Hiện Công ty Cổ phần Nam Việt đã có đơn hàng lên đến 500 container (tương đương 12.000 tấn) xuất sang thị trường Trung Quốc (size cá từ 800gram trở lên). Công ty đang nỗ lực giao hàng, bởi có vùng nuôi 600ha, sản lượng đạt 200.000 tấn/năm.
Ông Nguyễn Thành Tân, người nuôi cá tra ở xã Long Giang, huyện Chợ Mới (An Giang) phấn khởi cho biết: “Cả tuần nay giá cá tăng mạnh, doanh nghiệp xuống tận ao đặt tiền cọc trước để giữ mối mua cá giúp cho nông dân chúng tôi rất phấn khởi. Bởi, trong thời gian qua, cá tra nguyên liệu ở mức 28.000 đồng/kg, người nuôi thua lỗ nặng, bởi giá thành nuôi đã lên đến 29.000 – 30.000 đồng/kg. Nay giá cá tăng lên 31.500 – 32.000 đồng/kg, người nuôi đã có lời”.
Giá cá tra đang trên đà tăng mạnh. Dự kiến, đến cuối tháng 2/2023, giá cá sẽ ở mức 33.000 đồng/kg, bước sang tháng 4/2023, giá có thể tăng đến 35.000-36.000 đồng/kg. Hiện, toàn tỉnh An Giang có 1.628 ha mặt nước nuôi cá tra. Thời gian qua, do tình trạng thua lỗ kéo dài, người nuôi bỏ ao rất nhiều, khi Trung Quốc mua cá trở lại, tình trạng cung không đủ cầu đã xảy ra.
Giá tăng nhưng người nuôi hạn chế
Từ đầu năm đến nay, giá bán cá tra nguyên liệu luôn ổn định ở mức cao, tuy nhiên, với giá thức ăn tăng cao, các vật tư đầu vào khác như xăng dầu, thuốc, thức ăn công nghiệp, hóa chất xử lý môi trường, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản cũng tăng giá, người nuôi lợi nhuận từ 500 – 1.500 đồng/kg.
Nhưng điều nghịch lý ở các địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn tại ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp và TP Cần Thơ… lại hạn chế mở rộng diện tích nuôi.
Ông Lê Văn Tâm, ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) có gần 20 năm trong nuôi cá tra, ông Tâm cho biết, chưa bao giờ giá thức ăn cho cá tăng liên tục như hiện nay. Từ đầu năm 2022 đến nay, giá thức ăn đã tăng lên 6.000 đồng/kg, chưa kể giá xăng dầu và các loại chi phí khác cũng tăng theo khiến giá thành cá tra bị đội lên cao. Đây cũng là lý do mà nhiều người đã thu hẹp quy mô nuôi cá, dù giá cá tra đang đứng ở mức cao so với mọi năm.
Riêng gia đình ông Tâm trước đây thường nuôi 5 hầm cá, bình quân mỗi hầm rộng 2-3 ngàn mét vuông nhưng nay chỉ thả nuôi 3 hầm vì nếu thả nuôi mới trong giai đoạn này, giá thành sản xuất cá tra thấp nhất cũng 30.000 đồng/kg nên bán ra phải trên giá này hoặc giá thức ăn phải giảm xuống thì người nuôi cá mới mong có lợi nhuận.
Là người có thâm niên nuôi cá tra hàng chục năm nay, ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX cá tra Thới An, ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ xác nhận, giá cá tra thương phẩm hiện ở mức tăng cao so với hơn 2 năm qua. Với giá này, người nuôi có lãi. Tuy nhiên, thực tế tỷ lệ nông dân vui mừng chưa được 10% vì thời điểm này không mấy người có cá để bán, do thời gian qua phải treo ao hoặc “ngâm cá” nên quá lứa.
Theo ông Hải, giá lên xuống là quy luật thị trường, có thể sụt giảm trong nay mai. “Tôi nói thật, giá cá có trên 30.000 đồng/kg vẫn chưa xứng đáng với người nuôi cá tra nhưng thị trường là vậy, mai mốt giá lại sụt thì sao?”, ông Hải nói.
Bảo Ngọc (Theo báo Nông nghiệp)