Lần đầu tiên xuất khẩu cá tra cán mốc 2 tỉ USD
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) năm 2018 là năm đầu tiên ngành xuất khẩu cá tra đột phá, có thể đạt mức xuất khẩu trên 2 tỉ USD. Đây là mức tăng trưởng đầy ấn tượng, dù ngành cá tra phải đối mặt với nhiều thách thức trong 8 tháng năm 2018.
Vượt “rào cản” bằng nâng giá trị, chất lượng
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), 8 tháng đầu năm nay, ngành hàng cá tra tiếp tục đối mặt với một số khó khăn từ các rào cản của thị trường nhập khẩu. Trong đó, từ hồi tháng 3.2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố 9 doanh nghiệp nằm trong nhóm hưởng mức thuế riêng biệt phải chịu mức thuế chống bán phá giá cao kỷ lục (từ 3,87-7,74 USD/kg) đã gây không ít khó khăn cho hoạt động xuất khẩu cá tra. Tuy nhiên, do giá cá giống, giá cá tra nguyên liệu ở mức cao đã tạo điều kiện để ngành cá tra đạt được nhiều kết quả ấn tượng: Kim ngạch xuất khẩu tính đến ngày 30.7 vừa qua đã đạt trên 1,198 tỉ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Dương Nghĩa Quốc – Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, tính đến thời điểm này các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thả nuôi cá tra đạt 4.033ha, sản lượng thu hoạch đạt 814.086 tấn. Giá cá nguyên liệu trong nửa đầu năm 2018 cao hơn mức giá trung bình năm 2017 khoảng từ 4.500-7.000 đồng/kg. Giá cá nguyên liệu hiện đang ở mức từ 25.000 đồng đến 27.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng và hình thức thanh toán. Cá tra thương phẩm tăng giá đã kích thích cho các cơ sở và người dân phát triển nghề ương cá tra giống để đáp ứng cho thị trường. Từ đầu năm đến nay diện tích ương cá tra giống ở ĐBSCL khoảng 3.587ha, tăng khoảng 800ha so với cùng kỳ 2017, tập trung ở 3 tỉnh như An Giang, Đồng Tháp và Long An.
Dư địa lớn kích thích tăng trưởng
Theo VASEP, thị trường cá tra toàn cầu còn nhiều triển vọng tăng trưởng trong những năm tới, ít nhất là đến năm 2025. Thông tin từ Viện Thủy sản Quốc gia Mỹ, cho thấy, cá tra đang đứng thứ 10 trong số những loài cá được tiêu thụ nhiều nhất. Từ nay đến năm 2025, nhu cầu cá tra trên toàn cầu sẽ tiếp tục tăng lên do cá tra được đưa vào làm nguyên liệu trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh đó cá tra còn được sử dụng trong các ngành khác như dược phẩm, thực phẩm chức năng… bởi có hàm lượng chất béo từ mức thấp đến mức trung bình, hàm lượng protein cao, giàu axit béo omega-3 được sử dụng làm chất bổ sung cho chế độ ăn uống; cá tra có nhiều lợi ích cho sức khỏe như giúp cho tim, gan, thận hoạt động khỏe mạnh. Với những lợi ích đó, đến nay, hầu hết các hoạt động ăn uống ở Châu Âu và Mỹ đều có cá tra trên thực đơn. Sản lượng cá tra thế giới trong năm qua khoảng 2,44 triệu tấn. Trong đó, Việt Nam hiện đang chiếm khoảng 50% sản lượng cá tra của thế giới và là nước XK cá tra lớn nhất, chủ yếu là các sản phẩm dạng đông lạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT, để ngành hàng cá tra phát triển bền vững, các địa phương phải quy hoạch lại sản xuất từ khâu giống, thức ăn, nuôi và chế biến xuất khẩu, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; đa dạng hóa sản phẩm, các mặt hàng giá trị gia tăng sau chế biến, đặc biệt đa dạng hóa tất cả các thị trường xuất khẩu, trong điều kiện phải nâng cao tính cạnh tranh trong xuất khẩu. Đặc biệt, cần chú trọng phát triển chuỗi giá trị liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, doanh nghiệp với người dân và coi đây là khâu then chốt để đưa ngành hàng cá tra phát triển bền vững.