Mỹ chi 19 tỷ USD mua tôm cá, Việt Nam thành nhà cung cấp lớn thứ 2
Chỉ trong 7 tháng, Mỹ đã chi 19 tỷ USD để mua hơn 2 triệu tấn tôm cá các loại. Việt Nam vươn lên thành nhà cung cấp thuỷ sản lớn thứ hai về sản lượng cho Mỹ, song về giá trị thì vẫn đứng thứ 5.
Số liệu thống kê của Cục Nghề cá biển quốc gia Hoa Kỳ (NMFS) cho thấy, 7 tháng năm 2022, nhập khẩu thủy sản của Mỹ đạt 2,02 triệu tấn, trị giá hơn 19 tỷ USD, tăng 8,2% về lượng và tăng 21,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Theo đó, tôm là mặt hàng thủy sản nhập khẩu lớn nhất của Mỹ. Tính đến hết tháng 7/2022, Mỹ nhập trên 544 nghìn tấn tôm, trị giá 5,82 tỷ USD, tăng 4,9% về lượng và tăng 10,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Thứ hai là cá hồi với lượng nhập khẩu gần 295 nghìn tấn, giá trị đạt 3,9 tỷ USD. Ngoài ra, Mỹ còn nhập một lượng lớn cá ngừ, cá rô phi, cá tuyết cá da trơn, cua, mực,…
Trong 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 199,1 nghìn tấn, trị giá 1,42 tỷ USD, tăng 25,5% về lượng và tăng 52,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Nhờ đó, Việt Nam vươn lên thành nhà cung cấp thủy sản lớn thứ hai về lượng và lớn thứ 5 về trị giá cho Mỹ.
Thị phần thủy sản Việt Nam tính theo trị giá trong tổng nhập khẩu của Mỹ tăng từ 5,9% trong 7 tháng năm 2021 lên 7,5% trong 7 tháng năm 2022.
Theo số liệu thống kê từ Hải quan Việt Nam, Mỹ đang là khách hàng lớn nhất của tôm cá Việt xuất khẩu. 8 tháng năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này đạt 1,64 tỷ USD. Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu số một về tôm, cá ngừ, cá tra của Việt Nam, tỷ trọng lần lượt là 20%, 51% và 23%.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đang có kế hoạch mua 1,44 triệu pound các sản phẩm cá da trơn cho các chương trình hỗ trợ thực phẩm của chính phủ nước này. Đây là chương trình giúp cung cấp thức ăn cho người cao tuổi và người khuyết tật đủ điều kiện tham gia chương trình “Build Back Better” của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.
Mục tiêu của chương trình là chuyển đổi hệ thống thực phẩm nhằm mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, nhà sản xuất và cộng đồng nông thôn bằng cách cung cấp nhiều lựa chọn hơn, tăng khả năng tiếp cận và tạo thị trường mới cho các nhà sản xuất quy mô vừa và nhỏ.
Chương trình được xây dựng dựa trên các bài học kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19 và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do cuộc chiến Nga – Ukraine. Chương trình sẽ củng cố chuỗi cung ứng quan trọng và giải quyết các thách thức tồn đọng. Việc giao hàng sẽ được thực hiện từ tháng 11 măm nay đến hết tháng 1/2023.
Theo các chuyên gia ngành thuỷ sản, đây là cơ hội để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ trong các tháng cuối năm nay và đầu năm sau.
Tâm An