Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc mua lượng tôm, cá khổng lồ, Việt Nam lập 3 kỷ lục chưa từng có
10 tháng năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tiếp tục lập kỷ lục, trong đó Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc là những thị trường mua thủy sản của Việt Nam nhiều nhất.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 10/2022, trị giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 907,4 triệu USD, tăng 5,2% so với tháng 9/2022 và tăng 2,1% so với tháng 10/2021.
Tính chung 10 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 9,35 tỷ USD, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2021, vượt kế hoạch cho cả năm 2022.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, xuất khẩu thủy sản tháng 10/2022 tăng nhờ xuất khẩu sang Nhật Bản và Trung Quốc tăng mạnh.
Đáng chú ý, tháng 10/2022, Nhật Bản vượt Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, đạt 160,6 triệu USD, tăng 34,1% so với tháng 10/2021.
Tính chung 10 tháng năm 2022, xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản đạt 1,43 tỷ USD, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ tháng 10/2022 đạt 150,5 triệu USD, giảm 31,3% so với tháng 10/2021. Tính chung 10 tháng năm 2022, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt 1,9 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 10/2022, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc tăng 59,8% so với tháng 10/2021, đạt 141 triệu USD.
Tính chung 10 tháng năm 2022, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt 1,35 tỷ USD, tăng 81,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, xuất khẩu thủy sản trong năm nay tăng trưởng rất ấn tượng, có tác động lớn từ những biến động trên thị trường thế giới. Nhu cầu thủy sản tăng cao trong nửa đầu năm nay, cộng với tình trạng lạm phát, giá năng lượng tăng cao trên toàn cầu, xung đột Nga – Ukraina…, khiến cho giá nhiều loại thủy sản trên thế giới nhìn chung tăng rất mạnh.
Với con số xuất khẩu 9,37 tỷ USD, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam lập 3 kỷ lục ấn tượng: Thứ nhất, vượt mốc xuất khẩu thủy sản kỷ lục của năm 2021 là 8,9 tỷ USD; thứ 2 lần đầu tiên trong lịch sử, xuất khẩu thủy sản vượt mốc 9 tỷ USD; thứ 3 là xuất khẩu thủy sản trong 10 tháng đã vượt kế hoạch cho cả năm 2022 là 9 tỷ USD.
Riêng với thủy sản Việt Nam, do biến động trên thị trường thế giới, xung đột Nga – Ukraina đã tác động lớn tới thị trường cá thịt trắng toàn cầu khi Nga là nhà cung cấp hàng đầu nhiều mặt hàng cá thị trắng (cá minh thái, cá tuyết…).
Để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung cá minh thái, cá tuyết của Nga, nhiều nhà nhập khẩu đã chuyển sang mua một số loại cá thịt trắng khác, trong đó có cá tra Việt Nam. Nhờ vậy, giá cá tra xuất khẩu của Việt Nam năm nay tăng rất mạnh.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, trong 7 tháng năm nay, trung bình cá tra đông lạnh từ Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ có giá 4,21 USD/kg, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá xuất khẩu tăng cao là một nguyên nhân quan trọng giúp cho xuất khẩu cá tra Việt Nam trong 10 tháng đầu năm nay đã đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng tới 80% so với cùng kỳ 2021.
Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO dự báo, đến hết năm nay, xuất khẩu cá tra có thể đạt trên 2,5 tỷ USD, tăng 58% so với 2021.
Tuy nhiên, theo Cục Xuất nhập khẩu, xu hướng xuất khẩu thủy sản sang Mỹ và EU chậm lại, nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì trong các tháng cuối năm 2022. Đơn hàng xuất khẩu thủy sản mới có xu hướng thấp hơn mọi năm, nhiều đơn hàng bị đề nghị hoãn giao hàng, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
P.V