Ngành Thủy sản tìm hướng vượt khó
Năm 2022, xuất khẩu thủy sản mặc dù thiết lập mức kỷ lục với 11 triệu USD, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang gặp không ít khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn, lãi suất tăng, đơn hàng giảm dự báo sẽ kéo dài đến hết quý I năm 2023. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp thủy sản không nên bi quan mà cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn hàng để cung ứng cho giai đoạn phục hồi.
Thiết lập mức kỷ lục mới
Tại Hội thảo ngành Thủy sản 2023: Nhận diện thách thức và giải bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng, do Tạp chí Ðiện tử Doanh nhân Việt Nam, trang thông tin điện tử tổng hợp VietnamBiz (vietnambiz.vn) phối hợp cùng Greenpan Vietnam tổ chức mới đây tại TP Cần Thơ, ông Trương Ðình Hòe, Chủ tịch VASEP, cho biết: Dự kiến năm 2022 xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ thiết lập mức kỷ lục với 11 tỉ USD. Các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra hay cá ngừ đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng hai chữ số, trong đó, xuất khẩu hải sản tăng 34%, cá tra tăng 80%, tôm tăng 19%… so với năm 2021. Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ chủ lực của Việt Nam, đạt 1,9 tỉ USD trong 10 tháng qua, tăng 15%; Trung Quốc đại lục và Hong Kong ghi nhận 1,5 tỉ USD, tăng 74%; Nhật Bản đạt 1,4 tỉ USD, tăng 33%. Một trong những yếu tố tiềm năng lớn nhất của ngành Thủy sản Việt Nam là có một hệ thống về nuôi trồng thủy sản khá mạnh với dư địa phát triển rất lớn. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có công nghệ chế biến thủy sản hiện đại nhất với hơn 700 cơ sở chế biến đạt chứng nhận bắt buộc của EU, Trung Quốc; USDA công nhận tương đương cho ngành xuất khẩu cá tra. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp có chứng nhận bền vững quốc tế ngày càng tăng.
Tuy nhiên, từ tháng 10, giá trị xuất khẩu thủy sản sụt giảm, ghi nhận dưới 1 tỉ USD, chỉ cao hơn 2% so với cùng kỳ. Ðây là tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ đầu năm 2022. Nhu cầu tại các thị trường tiêu thụ hải sản chính của Việt Nam đang chững lại khi nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái, lạm phát cao, trong khi hàng tồn kho tại các nước nhập khẩu lớn. Doanh số bán hàng giảm xuống khi người tiêu dùng ở nhiều nước thắt lưng buộc bụng để ứng phó với tình trạng vật giá leo thang. Ngoài ra, đồng tiền của Liên minh châu Âu (EU), Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc liên tục mất giá so với USD đã làm giảm sức mua của các thị trường trọng điểm này. Lượng tồn kho của các doanh nghiệp thủy sản tăng, trong khi khâu bảo quản, lưu kho và hậu cần nói chung (logistics) vẫn là điểm yếu của nhiều doanh nghiệp. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng tăng, nguồn vốn bị siết chặt, các doanh nghiệp phải huy động nhiều nguồn vốn vay với mức lãi suất cao để tài trợ nguồn hàng,… đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch kinh doanh.
Ông Trương Ðình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho rằng, kinh tế vĩ mô hiện nay của Việt Nam được đánh giá là khá tốt. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp phải tiếp tục cầm cự và đón bắt các cơ hội trong thời gian tới. “Tôi nghĩ thị trường không thể xuống mãi được mà cũng phải có lúc lên, nếu từ cuối quý I năm 2023 thị trường xuất khẩu thủy sản sẽ khởi sắc. Thời gian này, các doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt cho hoạt động sản xuất của mình để sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi” – ông Trương Ðình Hòe nhấn mạnh.
Ðón bắt cơ hội
Hiện nay 4 thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc. Trong khi Hoa Kỳ và Nhật Bản là 2 thị trường xuất khẩu thủy sản khá ổn định, do đó năm 2023, theo các chuyên gia, xuất khẩu thủy sản Việt Nam cố gắng lấy lại thị phần tại thị trường châu Âu đang trong giai đoạn phục hồi; đồng thời nghiên cứu kỹ để khai thác bền vững và lâu dài đối với thị trường Trung Quốc với nhu cầu rất lớn và khả năng nhập khẩu rất cao. Ngay từ lúc này, ngành Thủy sản Việt Nam cần tập trung, đầu tư đúng mức về các chương trình, nghiên cứu, tìm hiểu, xúc tiến thương mại cũng như có những biện pháp căn bản để xâm nhập tốt nhất vào 2 thị trường này.
Bà Trương Thị Kim Liên, đại diện Công ty CP Mekong Logistics, đã đưa ra một số giải pháp tối ưu cho ngành thủy sản. Ðó là cần có sự kết nối giữa các hiệp hội thuộc ngành thủy sản, hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam (VLI)… Các công ty logistics cần đưa ra những giải pháp tối ưu nhất cho từng khách hàng. Một yếu tố quan trọng khác là sự đồng thuận, ủng hộ của các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trong chuỗi logistics. Các doanh nghiệp cũng cần thay đổi cách thức sử dụng phương thức vận chuyển, chẳng hạn với các doanh nghiệp tại TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận có thể tập trung hàng về bãi tập kết tại các cảng ở TP Cần Thơ sau đó lên tàu đi ra Cảng Cái Mép (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), như vậy sẽ tiết kiệm chi phí rất nhiều.
Ông Ðinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho rằng, năm 2023 kinh tế thế giới nói chung và khu vực ASEAN nói riêng đối mặt với nhiều thách thức. Chuẩn bị tâm thế hết quý I, thậm chí có thể lan sang quý II năm 2023 vẫn còn khó khăn đối với xuất khẩu thủy sản, do vậy các doanh nghiệp cần phải có những kế hoạch để vượt khó. Ðó là cần linh hoạt các khoản chi như tiền lương nhân viên, cũng như các loại chi phí dịch vụ cần phải tiết giảm, để tập trung dòng tiền cho sản xuất cũng như dự trữ nguyên liệu; tìm nhiều nguồn vốn khác nhau để cân dòng tiền nhằm giữ ổn định nguồn nguyên liệu, đảm bảo sẵn sàng đáp ứng đơn hàng.
Ông Ðinh Thế Hiển dự báo: Ðến hết quý IV năm 2022 hệ thống ngân hàng thương mại sẽ ổn định, đến quý I năm 2023 thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tốt trở lại. Lúc đó, lãi suất cho vay sẽ hạ nhiệt, nguồn vốn vào sản xuất từ quý I năm 2023 cũng sẽ bắt đầu tốt và sẽ tăng mạnh từ đầu quý II năm 2023. Riêng ngành thủy sản, do là ngành vốn lưu động, nghĩa là luôn được ngân hàng ưu tiên cho vay, trong khi doanh thu ngành này vẫn tốt, nên nhiều khả năng, trong năm tới, dòng vốn vào ngành thủy sản sẽ thuận lợi hơn những ngành khác. Về xuất khẩu, ngành Thủy sản sẽ theo xu hướng đi ngược lại năm 2022. Nếu như năm 2022, quý I, quý II tăng trưởng tốt, khó khăn bắt đầu từ quý III và quý IV thì sang năm 2023, quý I tăng trưởng chậm, quý II ổn định, quý III và IV sẽ vượt lên. Tăng trưởng ngành Thủy sản năm 2023 sẽ không thua năm 2022, khoảng 10 tỉ USD, trong đó thị trường mạnh nhất là Hoa Kỳ.