Nhìn lại 5 năm thủy sản Việt Nam bị cảnh cáo thẻ vàng: Cần sự nỗ lực quyết liệt hơn để tháo gỡ
VOV.VN – Tròn 5 năm châu Âu đưa ra “thẻ vàng” cảnh cáo đối với thủy sản của Việt Nam do không tuân thủ quy định khai thác IUU và các địa phương ven biển đã nỗ lực khắc phục, chấn chỉnh những thiếu sót, tồn tại. Nhưng công tác chống khai thác IUU vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Tròn 5 năm châu Âu đưa ra “thẻ vàng” cảnh cáo đối với thủy sản của nước ta do không tuân thủ quy định khai thác IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định). Quốc hội, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành nhiều quy định pháp luật nhằm quản lý ngành khai thác thủy sản chặt chẽ, theo hướng phát triển bền vững, phù hợp với khuyến nghị của châu Âu.
Các địa phương ven biển đã nỗ lực khắc phục, chấn chỉnh những thiếu sót, tồn tại. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác chống khai thác IUU vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tuy nhiên nếu quyết tâm và quyết liệt chúng ta có thể gỡ được thẻ vàng trong năm 2023.
Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra cảnh báo “thẻ vàng” khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đối với thủy sản khai thác của Việt Nam và đưa ra 9 nhóm khuyến nghị Việt Nam cần thực hiện để gỡ thẻ.
Đến tháng 11/2019, EC rút xuống còn 4 khuyến nghị. Mới đây nhất trong chuyến kiểm tra cuối tháng 10/2022, đoàn thanh tra của EC ghi nhận những bước tiến lớn trong việc minh bạch thông tin, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nghề cá tại 28 địa phương ven biển. Điều này cho thấy sự nỗ lực, triển khai các biện pháp cải thiện theo khuyến nghị từ EC của nước ta đã được phía EC ghi nhận.
Đặc biệt, lần đầu tiên chúng ta đưa ngay được 14 quy định nhận diện về IUU vào trong Luật Thủy sản sửa đổi năm 2017. Sau 5 năm triển khai, ngành thủy sản đã chấp hành tốt việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá, trang bị thiết bị định vị, liên lạc cho ngư dân và phân loại các nhóm tàu để nhận diện các đối tượng đánh bắt xa bờ đã được triển khai, giúp phân loại, quản trị nghề cá của các địa phương thuận lợi hơn. Đặc biệt, sự thay đổi rõ nét nhất là nhận thức từ các cấp, ngành cho đến ngư dân, ai cũng đã hiểu rõ IUU là gì.
Theo nhiều ngư dân chia sẻ:
– “Ra biển đánh bắt ngày nào tôi cũng ghi nhật ký. Chạy vô đây, mình điện trước 5-6 giờ đồng hồ, báo cảng rồi mình mới vô cảng được”.
– “Chúng tôi kiên quyết không tham gia và không vi phạm vùng biển của các nước trong khu vực, nhằm tháo gỡ thẻ vàng của Uỷ ban Châu Âu (EC) để nâng cao hiệu quả đánh bắt”.
– “Tôi làm nghề gì thì có phiếu bến, sau đó Ban quản lý âu thuyền sẽ xuống kiểm tra. Việc làm này rất tốt, kiểm tra được đúng chất lượng hải sản cho tất cả địa phương”.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác chống IUU vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, chậm khắc phục trong tổ chức triển khai thực hiện khiến chưa thể gỡ được “thẻ vàng”. Cụ thể, việc cấp Giấy phép khai thác thủy sản chưa hoàn thành (vẫn còn 3,3% số lượng tàu từ 15 mét trở lên, 53,4% số lượng tàu từ 6 đến dưới 15 mét chưa được cấp phép).
Tốc độ lắp đặt VMS trong năm vừa qua rất chậm (mới tăng được 5,01%); thực thi pháp luật, điều tra, xử phạt các hành vi IUU chưa triệt để, thiếu thống nhất. Đặc biệt, tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn tăng và diễn biến phức tạp. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường châu Âu.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Ủy ban Hải sản, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) nhận định, dù giá trị xuất khẩu hải sản sang EU vẫn tăng nhưng trong cả bức tranh xuất khẩu thủy sản nói chung và hải sản nói riêng của Việt Nam, vị thế của EU ngày càng mờ nhạt và thu hẹp, chủ yếu vì ảnh hưởng của thẻ vàng IUU.
Bà Sắc cho biết: “Theo ước tính, ngành khai thác thủy sản của Việt Nam sẽ mất đi khoảng 387 triệu USD mỗi năm nếu thị trường EU bị đóng cửa. Chúng ta cần phải nỗ lực tập trung nhiều hơn nữa, đặc biệt là phải giải quyết được tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác bất hợp pháp, trái phép. Chúng ta cần nâng cao năng lực truy suất nguồn gốc sản phẩm, cần có những giải pháp hợp lý hiệu quả để sớm khắc phục thẻ vàng”.
Công tác gỡ “thẻ vàng” thủy sản là một trong những vấn đề luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Trong nhiều cuộc họp, quyết định, văn bản chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương phải hoạt động mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn trong xử lý các trường hợp vi phạm.
Chủ trì hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu kiểm điểm làm rõ việc vì sao vẫn còn tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là làm việc vì lợi ích quốc gia, lợi ích của nhân dân và vì hình ảnh của đất nước, nên không thể làm cho qua, cho có chuyện để chống chế EC.
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng chương trình kế hoạch hành động 180 ngày thực hiện các khuyến nghị của EC trong việc gỡ thẻ vàng.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, việc cảnh báo thẻ vàng của EC đã gây nhiều khó khăn thiệt hại về tài chính, sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường Quốc tế. Vì vậy các Bộ, ngành, địa phương cần phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, nỗ lực triển khai các giải pháp để sớm tháo gỡ thẻ vàng mở lại cánh cửa cho thủy sản Việt Nam.
“Nếu chúng ta không gỡ được thẻ vàng thì ngoài ảnh hưởng trên 500 triệu USD xuất khẩu đi châu Âu, còn ảnh hưởng
vị thế chính trị Việt Nam trên trường quốc tế. Tiếp đó là hạ tầng thuỷ sản, hạ tầng khai thác cũng là vấn đề tồn đọng nhiều năm, vừa thiếu số lượng, kém chất lượng” – Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội nghề cá Việt Nam để giải quyết vấn đề IUU phải đặt trong mối quan hệ liên ngành, liên vấn đề thì mới giải quyết được rốt ráo, Nhà nước cần duy trì, thậm chí phải tăng cường, đồng bộ các chính sách khác.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho biết: “Về lâu dài tôi nghĩ rằng, có hai yếu tố nếu chúng ta làm được thì nghề cá sẽ đỡ. Thứ nhất là chúng ta phải có cá, muốn thế thì phải bảo vệ được nguồn lợi, phải nghiêm túc thực hiện các hoạt động về bảo tồn biển… Điểm thứ hai là phải làm sao để những người ngư dân đi đánh bắt cá bất hợp pháp hiện nay nhận thức được lợi ích của việc không đi đánh bắt bất hợp pháp là gì”.
Với nghề cá nói chung, có 3 mảng vấn đề rất quan trọng cần phải giải quyết đồng bộ là: Ngư nghiệp – kinh tế nghề cá; ngư trường – bảo vệ nguồn lợi, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường biển và ngư dân. Dự kiến tháng 4/2023, Đoàn Thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam thanh tra lần thứ 4. Việt Nam có gỡ được thẻ vàng hay không, điều này hoàn toàn tùy thuộc vào sự nỗ lực, quyết tâm của các cơ quan bộ ngành và chính những ngư dân trực tiếp khai thác hàng ngày trên biển vì một nghề cá phát triển bền vững./.