Rà soát tất cả thủy sản xuất sang châu Âu để gỡ ‘thẻ vàng’
Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa đề nghị các doanh nghiệp rà soát, sắp xếp hồ sơ đối với tất cả các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào châu Âu từ 2020 đến nay để chuẩn bị đón đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC). Cuộc kiểm tra có tính chất quyết định thủy sản Việt Nam có gỡ được “thẻ vàng” hay bị áp thêm biện pháp nghiêm ngặt hơn.
Theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), từ ngày 20-28/10, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra về tình hình, kết quả thực hiện chống khai thác IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định).
Để đạt kết quả tốt nhất, NAFIQAD yêu cầu các doanh nghiệp rà soát, cập nhật đầy đủ các quy định mới của Việt Nam và quy định của Liên minh châu Âu (EU) để sửa đổi quy định nội bộ đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành và thực tế hoạt động sản xuất chế biến của doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc truy xuất nguồn gốc thủy sản đáp ứng quy định IUU cần đảm bảo được thực hiện trong toàn chuỗi, trong đó bao gồm các yêu cầu cụ thể về hồ sơ, cách thức kiểm soát
Các doanh nghiệp cần kiểm tra, đối khớp dữ liệu theo dõi với thực tế sản xuất (gồm nguyên liệu đưa vào sản xuất, nguyên liệu còn lại, thành phẩm đã xuất khẩu, chưa xuất khẩu;…) nhằm minh bạch khả năng truy xuất nguồn gốc trong toàn chuỗi thực hiện quy định IUU.
Theo NAFIQAD, do yêu cầu truy xuất nguồn gốc thủy sản và sản phẩm thủy sản đáp ứng IUU đòi hỏi xuyên suốt toàn chuỗi, các doanh nghiệp cần xem xét giao bộ phận đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm (chuyên trách IUU) có đủ thẩm quyền, trách nhiệm để liên kết thông tin, dữ liệu với các bộ phận khác của doanh nghiệp, tránh tình trạng đứt gẫy liên kết toàn chuỗi dữ liệu, gây khó khăn cho việc thực hiện yêu cầu truy xuất trên hồ sơ thực hiện và đối chiếu với thực tế sản xuất.
Đặc biệt, NAFIQAD yêu cầu các doanh nghiệp rà soát, sắp xếp hồ sơ đầy đủ các với các lô hàng xuất khẩu thủy sản khai thác xuất vào EU từ 2020 đến nay, đảm bảo lưu trữ có hệ thống, dễ truy cập, đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thủy sản nhập khẩu và nguồn gốc nguyên liệu khai thác trong nước theo chuỗi và khớp nối với hồ sơ theo dõi nguyên liệu khai thác từ các cơ quan quản lý.
Đợt thanh tra lần này có tính chất quan trọng trong việc EC xem xét gỡ bỏ ‘thẻ vàng” sau gần 5 năm hoặc áp dụng biện pháp nghiêm ngặt hơn đối với thủy sản khai thác của Việt Nam. Do đó, NAFIQAD đề nghị lãnh đạo các doanh nghiệp dành nguồn lực tốt nhất để thực hiện những nội dung trên và hoàn thành trước ngày 15/10.
Theo Dương Hưng