Thị trường kho lạnh hấp dẫn nhà đầu tư
Với mức giá thuê tăng cao, chi phí đầu tư thiết bị hậu cần kho lạnh ngày càng đắt đỏ nhưng nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang háo hức tìm kiếm cơ hội thâm nhập thị trường ngách này thông qua các dự án đầu tư mới hoặc các thương vụ mua lại và sáp nhập (M&A).
Nguồn cung ít ỏi
Công ty Kỹ thuật xây dựng và đầu tư cảng quốc tế IPEI mới đây đã lên kế hoạch phát triển trung tâm logistics, giới thiệu kho lạnh công nghệ cao tại TP.Cần Thơ. Ðánh giá cao môi trường đầu tư, ông Marc Stordiau – Tổng Giám đốc điều hành Công ty IPEI nhận định, việc đầu tư lĩnh vực kho lạnh, cảng biển tại TP.Cần Thơ rất phù hợp, thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Ðặc biệt, việc đặt các hệ thống kho lạnh bảo quản trái cây còn giúp nâng giá trị trái cây của vùng khi xuất khẩu ra nước ngoài, trong đó chủ lực là thị trường EU.
Với nguồn cung kho lạnh công cộng cho thuê ngoài (gọi tắt là kho lạnh) còn khan hiếm, cuối tháng 7 vừa qua, Công ty TNHH MTV Cold Storage Logistic Hậu Giang cũng đã khởi công kho lạnh đầu tiên trong dự án đầu tư Trung tâm kho lạnh cho thuê ngoài. Quy mô dự án gồm 6 kho lạnh và một kho mát, với tổng số 88.134 pallet, tương đương 88.134 tấn. Dự án sử dụng công nghệ mới của EU, hiện đại, áp dụng quản lý điều hành bằng số hóa, kinh phí đầu tư dự kiến gần 500 tỉ đồng. Thời gian đầu tư xây dựng từ năm 2022 – 2027, tiến độ xây dựng từ 1-2 kho/năm.
Ông Nguyễn Văn Kịch – Giám đốc Công ty TNHH MTV Cold Storage Logistic Hậu Giang cũng cho biết, dự án này thuộc sở hữu của Công ty CP Thủy sản Cafatex. Từ quý III/2019, Cafatex đã đưa vào khai thác cho thuê kho lạnh có sức chứa 10.000 pallet (10.000 tấn) được đầu tư theo công nghệ mới, hiện đại của Đức. Khách thuê gửi kho thường xuyên là các công ty thủy sản, nông sản và trái cây xuất khẩu trong và ngoài nước tại ĐBSCL…
Dự báo tăng trưởng mạnh mẽ
Theo báo cáo E – conomy của Google và Temasek, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 15 tỉ USD vào năm 2025. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này đã đặt ra nhu cầu cao đối với dịch vụ hậu cần thương mại điện tử, phát triển kho lạnh sẽ tập trung thành cụm, phần lớn là ở các khu công nghiệp hoặc gần sông, cảng biển.
Bà Trang Bùi – Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield cũng cho rằng, sự bùng phát của dịch COVID-19 đã tác động đáng kể đến ngành kho lạnh và hậu cần kho bãi (logistics) của Việt Nam ở nhiều thị trường khác nhau. Tuy nhiên, thị trường kho lạnh ở Việt Nam vẫn còn non trẻ và manh mún, trị giá khoảng 169 triệu USD vào năm 2019. Với sự bùng nổ trong lĩnh vực đón đầu việc cung cấp vaccine, tăng trưởng trong chế biến thủy sản và nhu cầu tiêu dùng, dự kiến sẽ đạt giá trị 295 triệu USD vào năm 2025, tương ứng với mức tăng trưởng khoảng 12% mỗi năm.
Theo bà Trang Bùi, hệ thống kho lạnh thường tập trung thành cụm, phần lớn nằm trong các khu công nghiệp hoặc trong khu vực sông ngòi, cảng biển. Dự kiến sẽ có nhiều thương vụ M&A hơn khi có các nguồn quỹ và nhà phát triển trong lĩnh vực bất động sản hậu cần cung cấp các giải pháp xây dựng phù hợp cho kho bãi chuyên dụng.
Cushman & Wakefield dự báo rằng đến năm 2025, sẽ có hơn 500.000 pallet được thêm vào thị trường, nhiều tài sản thanh khoản ở các thị trường mới nổi và phát triển ở Châu Á. Các nhà đầu tư vẫn sẽ háo hức tìm kiếm cơ hội thâm nhập thị trường ngách này, thông qua các dự án đầu tư mới hoặc M&A.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường kho lạnh dự kiến sẽ tăng trưởng bùng nổ cùng với những tiến bộ mới nhất trong phát triển vaccine. Ngay cả sau khi đại dịch COVID-19 kết thúc, tốc độ tăng trưởng này sẽ tiếp tục được duy trì bởi một số yếu tố, bao gồm nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng đối với thực phẩm dễ hỏng và sự ra đời của các loại dược phẩm mới, đồng nghĩa với việc các quy trình bảo quản phải ngày càng tiên tiến hơn.
LAN NHI