Trung Đông – thị trường tiềm năng của thủy sản Việt Nam
(vasep.com.vn) Do điều kiện tự nhiên nên hầu hết các nước Trung Đông không sản xuất được các mặt hàng nông nghiệp, trong đó có thủy sản nên khu vực này có nhu cầu lớn về các sản phẩm tôm, cá tra, cá ngừ hộp, cá sacđin, cá thu hộp và cá khô. Mặc dù có nhiều bất ổn về chính trị, phương thức thanh toán đôi khi còn chưa thuận tiện nhưng đây được đánh giá là thị trường còn nhiều dư địa tăng trưởng cho các DN XK thủy sản của Việt Nam vì nhu cầu hải sản đang tăng và hải sản đang ngày càng trở thành món ăn không thể thiếu trên bàn tiệc và trong các bữa ăn gia đình của người dân Trung Đông
Trong giai đoạn từ 2007-2017, giá trị XK thủy sản chung của Việt Nam sang thị trường Trung Đông đạt trung bình khoảng 300 triệu USD/năm. XK thủy sản sang thị trường này đạt cao nhất vào năm 2014 với trên 328 triệu USD nhờ đồng USD tăng giá và đạt thấp nhất vào năm 2007 với 78 triệu USD khi thị trường này còn chưa được chú ý nhiều. Từ 2007 – 2012, XK thủy sản sang thị trường này tăng trưởng liên tục. Từ 2013-2017, XK sang thị trường này tăng, giảm thất thường.
Trong năm 2017, top 5 thị trường NK lớn nhất thủy sản Việt Nam gồm Israel (75 triệu USD), Ả Rập Xêut (65 triệu USD), UAE (45,5 triệu USD), Ai Cập (31,4 triệu USD), Iraq (10 triệu USD).
Thủy sản liên tục nằm trong nhóm 5 mặt hàng XK lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Những mặt hàng thủy sản XK sang thị trường này chủ yếu là cá tra, tôm, một số sản phẩm hải sản đóng hộp như cá ngừ, cá sacdin, cá thu và một số loại cá khô khác. Mặt hàng cá tra của Việt Nam đã có chỗ đứng và tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng trong khu vực.
Cá tra, tôm, cá ngừ là 3 mặt hàng thủy sản chính XK sang thị trường Trung Đông trong đó cá tra chiếm tỷ trọng cao nhất. Năm 2017, trong tổng cơ cấu các sản phẩm thủy sản XK sang Trung Đông, cá tra chiếm tỷ trọng cao nhất 47%, cá ngừ chiếm 30% và tôm chiếm 18%.
Từ 2007-2017, tỷ trọng cá tra giảm từ 73% xuống còn 47%, tỷ trọng tôm tăng từ 11% lên 18%, tỷ trọng cá ngừ tăng từ 9% lên 30%. Tỷ trọng cá tra XK sang thị trường này có xu hướng giảm trong khi tỷ trọng cá ngừ ngày một tăng, tỷ trọng tôm tăng từ 2007 đến 2015, tuy nhiên từ 2016 đến nay có xu hướng giảm
Ảrập Xêut là thị trường NK cá tra lớn nhất của Việt Nam tại Trung Đông
Cá tra luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong số các mặt hàng thủy hải sản XK sang Trung Đông với tỷ trọng trung bình khoảng 60% từ năm 2007-2017. Từ năm 2007 – 2017, Việt Nam XK chủ yếu sản phẩm cá tra phile đông lạnh (thuộc mã HS 0304) sang Trung Đông, sản phẩm cá tra chế biến (thuộc mã HS 16) vẫn chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn.
Ảrập Xêut, Ai Cập và UAE là 3 thị trường NK cá tra, basa lớn nhất của các DN Việt Nam, trong đó,Ảrập Xêut là thị trường có xuất phát điểm thấp nhất nhưng lại có bước tăng trưởng nhanh nhất, mạnh mẽ nhất trong khu vực.
Theo thống kê của ITC, Việt Nam là nguồn cung cá tra lớn nhất và duy nhất của Ảrập Xêut. Tốc độ tăng trưởng NK sản phẩm cá tra của Ảrập Xêut khá tốt. Năm 2016, cá tra, basa chiếm thị phần lớn nhất trong cơ cấu NK cá thịt trắng của Ảrập Xêut, tiếp đó là thịt cá rô phi (HS 030493); cá rô phi đông lạnh (HS 030323), cá rô phi tươi, ướp lạnh (HS 030271). Ngoài ra, thị trường này cũng NK một số sản phẩm cá thịt trắng khác như: cá hake tươi, ướp lạnh (HS 030254), cá cod đông lạnh (HS 030363), thịt cá Alaska pollock (HS 030494)…
Năm 2016, Việt Nam là thị trường nguồn cung cá thịt trắng lớn nhất của Ảrập Xêut chiếm 43% tổng NK, tiếp đó là thị trường Myanmar, Ai Cập, Đài Loan, Bangladesh, Thái Lan… Ngoài NK cá tra, basa và cá rô phi từ Việt Nam, Ảrập Xêut cũng NK cá tra đông lạnh (HS 030324), cá rô phi (HS 030461) từ Myanmar;cá rô phi đông lạnh (HS 030323) từ Thái Lan, cá rô phi tươi, ướp lạnh (HS 030271) từ Ai Cập.
Sự khó khăn, rào cản kỹ thuật, thương mại tai các thị trường lớn như: Mỹ, EU khiến các nhà XK chuyển hướng mạnh mẽ hơn sang thị trường Châu Mỹ, Châu Á, trong đó có Ảrập Xêut.
Trong thời gian tới, nhu cầu NK cá tra củaẢrập Xêut khá tốt, do đó, các DN XK cá tra có thể tập trung hơn vào thị trường này. Với Ai Cập và UAE nhu cầu tiếp tục ổn định. Sản phẩm cá tra phile đông lạnh cũng vẫn là lựa chọn ưu tiên trong thời gian tới của các khách hàng Trung Đông.
Trung Đông ưa chuộng cá ngừ hộp
Trung Đông là khu vực có 7 vùng biển bao quanh, nhưng ngành khai thác vẫn còn nhỏ lẻ, do đó thị trường cá ngừ nước này phụ thuộc vào NK, đặc biệt là cá ngừ đóng hộp.
Trung Đông hiện đang là lựa chọn tốt nhất cho các nhà XK cá ngừ đóng hộp trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ cá ngừ đóng hộp tại các thị trường truyền thống như Mỹ và EU đang chững lại. Nhu cầu tiêu thụ tại Trung Đông liên tục tăng trong vài năm qua do sự tăng trưởng liên tục của NK lương thực từ nông nghiệp của khu vực, đặc biệt giữa các nước thành viên của Hội đồng Hợp tác Vùng vịnh (GCC), gồm các nước Ảrập Xêut, Qatar, Kuwait, Bahrain, Oman và UAE.
Trung Đông tiêu thụ trung bình khoảng 200 nghìn tấn cá ngừ hộp mỗi năm. Theo số liệu thống kê của ITC, NK cá ngừ của khu vực này ngày càng tăng trong 11 năm qua, từ 286 triệu USD lên 791 triệu USD, tăng 177%. Trong đó, Ai Cập, Ảrập Xêut, Israel là 3 nước NK cá ngừ nhiều nhất, chiếm tỷ trọng lần lượt là 21%, 19% và 11%.
Ai Cập là nước NK cá ngừ lớn nhất trong khối Trung Đông, mỗi năm Ai Cập NK trung bình khoảng 130 triệu USD sản phẩm cá ngừ các loại. Trong đó, cá ngừ đóng hộp chiếm tới 99% tổng giá trị NK cá ngừ của nước này trong giai đoạn từ 2007-2017. Ai Cập NK 100% cá ngừ đóng hộp do nước này không có nhà máy chế biến biến, hầu hết là để tiêu thụ trong nước, chỉ có một số ít được XK sang Sudan.
Người dân Ai Cập rất thích ăn cá ngừ đóng hộp với bánh mì, do giá cả hợp lý đối với mức sống của người dân bản địa, và người ta coi đấy là nguồn protein từ thịt. Chính vì vậy cá ngừ đóng hộp đang được bán ở khắp mọi nơi tại Ai Cập, từ các cửa hàng tạp hóa nhỏ đến các siêu thị lớn.
Các sản phẩm cá ngừ đóng hộp được NK nhiều vào Ai Cập gồm cá ngừ cắt khúc ngâm dầu hướng dương, cá ngừ cắt nhỏ (dạng flake) ngâm dầu hướng dương, cá ngừ cắt khúc sốt mayonnaise… Một số thương hiệu cá ngừ đóng hộp phổ biến tại Ai Cập gồm: Sunshine, Bostany, Americana, Heinz, Avanty, Khushala…
Ảrập Xêut là thị trường NK cá ngừ lớn thứ 2 tại Trung Đông, đây cũng là nước có yêu cầu về chất lượng cao hơn so với các thị trường khác trong khu vực.
Cũng như Ai Cập, Ảrập Xêut NK rất nhiều cá ngừ đóng hộp. Các sản cá ngừ đóng hộp phổ biến nhất tại Ảrập Xêut là cá ngừ đóng hộp nguyên khối (solid) chiếm 72% khối lượng, đứng thứ 2 là cá ngừ flake chiếm 11,5%, còn lại là các sản phẩm cá ngừ ăn liền giá trị gia tăng chiếm 2,2%. Trong đó, các sản phẩm được làm từ cá ngừ thịt sáng (cá ngừ vằn, cá ngừ vây vàng) chiếm khoảng 90%, còn lại là cá ngừ thịt trắng (cá ngừ albacore) chiếm 10%. Hầu hết là các sản phẩm ngâm dầu hướng dương, đóng gói 185 – 200gr. Các thương hiệu cá ngừ đóng hộp chính tại Ảrập Xêut là Goody, Boton, Green Farms, Geisha, California Garde và Rio Mare. Các siêu thị là kênh phân phối các sản phẩm cá ngừ chính tại Ảrập Xêut.
Tại Israel, người tiêu dùng thường sử dụng cá ngừ trong các món ăn như salad, các nhà hàng sushi và sẵn sàng trả giá cao cho sản phẩm đạt yêu cầu. Với tỉ lệ người béo phì trên 20%, Bộ Y tế Israel cũng từng ra thông báo khuyến khích người dân ăn cá ngừ để bổ sung hàm lượng omega 3 và các chất béo trung hòa. Chính vì vậy, tiêu thụ cá ngừ của Israel đang ngày càng tăng. Và với sự phát triển kinh tế tích cực trong thời gian gần đây, Israel đang là điểm đến của các nước XK cá ngừ trên thế giới.
Israel NK rất nhiều cá ngừ chế biến đóng hộp. Tỷ trọng NK các sản phẩm cá ngừ chế biến đóng hộp vào Israel luôn chiếm trên 80% giá trị NK cá ngừ của nước này.
Trong các sản phẩm cá ngừ đông lạnh, Israel NK nhiều nhất thăn/philê cá ngừ vằn đông lạnh, chiếm trên 62% tổng giá trị NK cá ngừ tươi sống và đông lạnh vào nước này.
Hiện thuế NK cá ngừ đóng hộp vào hầu hết các nước Trung Đông là 5%, trừ Libya, Tunisia và Thổ Nhĩ Kỳ. Mức thuế này rất thấp so với các nước như Mỹ và EU. Còn tại Libya là 0%, Tunisia là 36% và Thổ Nhĩ Kỳ là 80%. Còn đối với các sản phẩm thăn/philê cá ngừ đông lạnh NK vào Trung Đông đang được miễn thuế NK.
Thái Lan tiếp tục là nhà cung cấp chi phối thị trường cá ngừ Trung Đông trong thời gian tới, do họ có thể cung cấp các sản phẩm với giá rẻ nhất, và yêu cầu của các thị trường trong khối khác nhau nên họ có nhiều lựa chọn.
Tuy nhiên, do giá cá ngừ tại Bangkok tăng nên các nước Trung Đông có xu hướng tìm các nguồn cung có giá rẻ hơn để thay thế. Thêm vào đó, nhu cầu tiêu thụ cá ngừ đóng hộp tại thị trường này ngày càng tăng, yêu cầu về chất lượng không quá khắt khe nên sẽ có nhiều nước chuyển hướng đẩy mạnh XK sang thị trường này như Indonesia, Philippines hay Việt Nam.
Trong bối cảnh XK thủy sản vào các thị trường truyền thống như Châu Âu và Nam Mỹ đang có xu hướng giảm, thì Trung Đông chính là một trong những thị trường đầy tiềm năng cho các nhà XK thủy sản Việt Nam.
Trung Đông là khu vực thị trường có khả năng thanh toán cao, nhu cầu lớn và đa dạng đối với các loại mặt hàng thủy sản. Tiêu chuẩn chất lượng áp dụng đối với nhóm hàng này cũng không quá khắt khe như tại các thị trường EU, Mỹ, Nhật. Đây là cơ hội để các DN thủy sản của Việt Nam tăng kim ngạch XK trong thời gian tới. Để đẩy mạnh XK nhóm hàng này, cần tìm hiểu kỹ về văn hóa và xã hội các nước Trung Đông để có những sản phẩm phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu đặc trưng từ thị trường. Bên cạnh đó, các DN cần chú trọng việc cải thiện và phát triển các kênh phân phối; dự các hội chợ triển lãm về thủy hải sản quốc tế (như SEAFEX), tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, các đoàn khảo sát, nghiên cứu thị trường cũng như tận dụng tốt ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đồng thời, các DN Việt Nam cần chủ động đối phó với các rủi ro khi thực hiện hoạt động kinh doanh tại Trung Đông.
Bản tin Video
[su_youtube url=”https://www.youtube.com/embed/pqpNNtbkqtM” autoplay=”yes”]
Kim Thu