Trung Quốc sắp trở thành nhà nhập khẩu thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam?
Các mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm 2018…
Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Vasep tổ chức mới đây tại Tp.HCM, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm 2018 đạt gần 2,5 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2017.
Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Vasep cho biết, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chính đều tăng mạnh, trong đó mặt hàng tôm chủ lực chiếm tỷ trọng gần 42%, với gần 1 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu sang 139 thị trường, trong đó có 4 thị trường chiếm tỷ trọng tương đương nhau: Mỹ và Nhật Bản chiếm khoảng 15%; EU và Trung Quốc khoảng 14%, với giá trị xuất khẩu dao động quanh mức 354-380 triệu USD.
Với tốc độ tăng trưởng cao nhất là 37%, rất có thể trong quý 2/2018, Trung Quốc vượt qua thị trường còn lại trở thành nhà nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam.
Tôm xuất khẩu sang 64 thị trường, trong đó một số thị trường chính tăng mạnh và duy trì 2 con số như: EU, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN, do triển vọng kinh tế khả quan. Chỉ có thị trường Nhật Bản giảm 9%, do cạnh tranh gay gắt với tôm Ấn Độ.
Kế đến là xuất khẩu cá tra chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, đạt 612 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ. Tại thị trường Mỹ, dù xuất khẩu cá tra gặp khó do thuế chống bán phá giá, chương trình thanh tra cá da trơn, nhưng xuất khẩu sang Mỹ vẫn tăng 22% do nhu cầu nhập khẩu cao.
Song, thị trường nhập khẩu lớn nhất là Trung Quốc, đạt 146 triệu USD trong 4 tháng đầu năm, tăng 30%. Xuất khẩu sang EU trì trệ, giảm 10% do nhu cầu chưa hồi phục. Xuất khẩu cá ngừ, mực bạch tuộc và các hải sản khác vẫn tăng trưởng 2 con số.
Trong năm 2018, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối mặt với hàng loạt các khó khăn từ các thị trường, như: chương trình thanh tra cá da trơn, thuế chống bán phá giá tôm, cá tra tại thị trường Mỹ đã trở thành áp lực cho ngành, hay chương trình chống gian lận thương mại, truyền thông bôi xấu của châu Âu, việc châu Âu rút thẻ vàng đối với hải sản… là những nguyên nhân dẫn đến xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã biết tận dụng lợi thế, cơ hội, sự thuận lợi từ các FTA, được sự quan tâm của chính phủ, tăng cường công tác quản lý sản xuất, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu…
Dự kiến xuất khẩu thủy sản sẽ đạt 10 tỷ USD trong năm 2018, tăng 20% so với năm 2017 và hướng đến 20 tỷ USD năm 2025 như mục tiêu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề ra.
Tại lễ kỷ niệm, ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch Vasep cho biết, trong 20 năm qua Vasep đã tạo nhiều nên nhiều dấu ấn, nhiều cột mốc quan trọng, đã đứng mũi chịu sào, hỗ trợ các hội viên vượt qua khó khăn thách thức, rào cản thị trường… và đóng góp rất lớn vào sự phát triển của ngành thủy sản.
Cuối năm 1990, khi khai thác tài nguyên thiên nhiên giảm mạnh, ngành thủy sản đối mặt với những thách thức lớn, như: nguồn tài nguyên cạn kiệt, công nghệ chế biến lạc hậu, quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm còn non kém, cạnh tranh nội bộ rất quyết liệt, xuất khẩu chủ yếu ở dạng nguyên liệu hoặc sơ chế, thiếu chiến lược phát triển chung cho cả ngành.
Trước những khó khăn đó cũng như yêu cầu hội nhập thị trường thế giới, ngày 12/6/1998 với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ nhiệt tình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Vasep đã chính thức thành lập và góp phần đưa ngành thủy sản Việt Nam vươn lên tầm cao mới.
“Với tư duy hoạt động sáng tạo, đổi mới Vasep đã góp phần đưa ngành thủy sản phát triển thần tốc, với kim ngạch 1 tỷ USD năm 2000 lên 8,3 tỷ USD năm 2017. Đến nay sau 20 năm thành lập, Vasep tiếp tục thu hút sự quan tâm và tham gia của hội viên mới, kim ngạch xuất khẩu của hội viên chiếm hơn 80% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước”, ông Ích khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Trần Thanh Nam cho rằng, có thể ngay trong năm 2018 và 2019, ngành thủy sản sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức đòi hỏi Vasep phải giữ vững niềm tin, nắm bắt cơ hội và phối hợp tốt với các bộ, ngành liên quan, tiếp tục tham mưu chính phủ tháo gỡ những khó khăn trên thị trường xuất khẩu.
Bản tin Video
[su_youtube url=”https://www.youtube.com/embed/bivUbzDwHxI”]