Xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc: Thực tế khác kỳ vọng
(ĐTCK) Trung Quốc đã tăng nhập khẩu thuỷ sản cả về khối lượng và giá trị trong quý I/2023. Tuy nhiên, không như kỳ vọng, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này vẫn chưa hồi phục, thậm chí có suy giảm.
Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, 3 tháng đầu năm nay, nước này đã nhập khẩu hơn 1 triệu tấn thuỷ sản, giá trị hơn 4,5 tỷ USD, con số này đã tăng 17% về khối lượng và 13% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Chỉ có tháng đầu năm, lượng nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc bị giảm 27% về lượng và 19% về giá trị so với tháng 1/2022 vì lý do chính nhất là kỳ nghỉ lễ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán đều rơi vào tháng 1. Từ tháng 2, nhập khẩu bắt đầu tăng mạnh lần lượt 32% và 20%.
Đến tháng 3/2023, tăng trưởng nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc đột phá nhất với mức tăng 58% về khối lượng và 51% về giá trị. Riêng trong tháng này, Trung Quốc đã nhập khẩu 453 nghìn tấn thủy sản, trị giá trên 1,8 tỷ USD.
Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu thủy sản cho phân khúc gia công, chế biến xuất khẩu, chiếm 21% về khối lượng và 12% về giá trị. Khối lượng nhập khẩu thủy sản cho hoạt động này tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, nhập khẩu thủy sản cho tiêu thụ nội địa Trung Quốc chiếm 65% khối lượng và 82% về giá trị, tăng lần lượt 16% và 13% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang Trung Quốc lại trái ngược với nhu cầu nhập khẩu thuỷ sản đang phục hồi mạnh mẽ của nước này, sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại từ đầu năm 2023.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) mới thông tin, giá trị xuất khẩu thủy sản Việt nam sang thị trường Trung Quốc trong quý I/2023 giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 240 triệu USD. Trong đó, chỉ có tháng 2, xuất khẩu tăng trưởng 24%, còn tháng 1 và tháng 3 tăng trưởng âm 60% và 39%.
Riêng đối với sản phẩm tôm, trong quý đầu năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc đạt trên 54 triệu USD, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2022. Trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu sang Trung Quốc, tôm chân trắng chiếm 41,8%, tôm sú chiếm 36,3%, còn lại là tôm khác.
Trong đó, xuất khẩu tôm chân trắng đạt 22 triệu USD, giảm 49% trong khi giá trị xuất khẩu tôm sú đạt gần 20 triệu USD, tăng 46%. Xuất khẩu tôm sú chế biến và tôm sú sống, tươi, đông lạnh sang Trung Quốc tăng lần lượt 63% và 46%. Đáng chú ý, xuất khẩu tôm loại khác khô tăng mạnh 745%, xuất khẩu tôm loại khác chế biến tăng 23% so với cùng kỳ.
Xét về giá, giá trung bình tôm chân trắng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc trong quý dao động từ 4,9 – 6,8 USD/kg. Trong khi giá trung bình tôm sú xuất khẩu sang thị trường này dao động từ 8,2 – 11,1 USD/kg.
Trung Quốc là thị trường được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sẽ phục hồi sớm hơn so với các thị trường khác như Mỹ, EU trong bối cảnh doanh nghiệp xuất khẩu tôm phải đối mặt với nhiều thách thức hiện tại.
Trung Quốc cũng dự kiến nhập khẩu 1 triệu tấn tôm, trị giá 7 tỷ USD trong năm 2023. Với dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay, việc nhập khẩu 1 triệu tấn trong năm nay được cho là một con số khả thi. Dù Trung Quốc luôn có chính sách tự cung tự cấp lương thực, song chính sách này vẫn chưa thực sự hiệu quả đối với thủy sản.
Vasep đánh giá, mức độ nhập khẩu để phục vụ cho tiêu thụ trong nước của Trung Quốc chưa hồi phục mạnh, giá trung bình nhập khẩu giảm, cùng với áp lực cạnh tranh với các nước như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia khiến cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang quốc gia này chưa bứt phá trong quý đầu năm nay.
Tuy nhiên, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vẫn kỳ vọng rằng, xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ sớm hồi phục vì dự đoán tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc sẽ bùng nổ vào năm 2023, với 1,4 tỷ dân số được giải phóng khỏi các đợt phong tỏa do Covid và quay trở lại chi tiêu cho việc ăn uống bên ngoài.
“Người Trung Quốc đã dự trữ từ 1.500 – 2.000 tỷ USD “tiết kiệm hộ gia đình dư thừa” trong thời gian phong tỏa, do vậy, dự đoán chi tiêu cho thủy hải sản sẽ gia tăng trong thời gian tới”, Vasep cho biết.
Kiều Trang