Thủy sản Việt Nam theo xu hướng tiêu dùng thế giới
Để nắm bắt tốt cơ hội từ sự thay đổi xu hướng tiêu dùng, thủy sản Việt Nam phải tập trung giải quyết vấn đề căn bản từ sản xuất, chế biến cho tới tiếp thị và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Xu hướng tiêu dùng thủy sản của thế giới đang thay đổi cả về nguồn gốc, chủng loại và đặc tính sản phẩm. Điều đó đòi hỏi ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản của Việt Nam có sự linh hoạt trong tìm kiếm thị trường, đa dạng hóa sản phẩm cũng như có chiến lược tiếp thị hiệu quả để phát triển bền vững.
*Xu hướng tiêu dùng thay đổi
Nguồn cung thủy sản được cung ứng bởi hai hoạt động đánh bắt thủy sản tự nhiên và nuôi trồng thủy sản. Tiến sĩ Paul Steinar Valle, chuyên gia quản lý ngành cá tại Kontali, Na Uy cho biết, sự gia tăng dân số toàn cầu dẫn đến nhu cầu về thủy sản tăng lên trong khi sản lượng đánh bắt được duy trì theo chiều ngang để đảm bảo khả năng tái sinh nguồn lợi tự nhiên, do đó nuôi trồng thủy sản được trông đợi sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi sống thế giới từ nay về sau.
Thêm vào đó, ngày càng nhiều người tiêu dùng lựa chọn mua thủy sản ở các siêu thị, do đó các hệ thống phân phối hiện đại cần nguồn cung ổn định và nuôi trồng thủy sản có vai trò chính để đảm bảo điều đó.
Một xu hướng mới trong thương mại tác động tới sự phát triển của ngành thủy sản đó là giao dịch thủy sản online đang phát triển khá nhanh, dẫn đầu là Trung Quốc.
Người tiêu dùng ở các nước phát triển cũng sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm có nhãn phát triển bền vững và các yêu cầu về sức khỏe, dinh dưỡng. Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp thủy sản cần đầu tư để tiếp cận người tiêu dùng tốt hơn.
Theo Tiến sĩ Paul Steinar Valle, tăng trưởng trong cả nuôi trồng và đánh bắt thủy sản thời gian tới chủ yếu diễn ra tại Châu Á, trong đó 90% thủy sản được nuôi trồng ở châu Á.
Các loài nuôi trồng đóng góp chủ lực vào tăng trưởng nguồn cung thủy sản dự kiến sẽ bao gồm cá hồi, cá rô phi, cá tra, cá chép và tôm. Trong số đó, Việt Nam có lợi thế về tôm và cá tra.
Đến năm 2050, nhu cầu thực phẩm của châu Phi sẽ tăng thêm 54%, nhu cầu thực phẩm ở Châu Á cũng tăng thêm 36%. Trung Quốc và phần còn lại của châu Á được cho là thị trường tiêu thụ thủy sản tăng trưởng nhanh nhất.
Khảo sát của đại học Parma, Ý cũng cho thấy 40% người tiêu dùng cho biết tăng tiêu thụ cá trong 3 năm gần đây. Thị trường chính cho các sản phẩm cá tra ở khu vực EU là Tây Ban Nha, Đức và Ý.
Bên cạnh đó, dòng chảy tiêu dùng sản phẩm cá tra được cho sẽ chuyển hướng về phía Trung Quốc và các nước châu Á. Ngoài EU, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục là những thị trường có nhu cầu lớn về thủy sản, đặc biệt là tôm.
Trung bình mỗi năm Mỹ nhập khẩu khoảng 600.000 tấn tôm, trị giá lên tới 6,5 tỷ USD. Trong khi đó, tôm cũng là sản phẩm được ưa chuộng nhất trong các bữa ăn của người Nhật, năm 2017, Nhật Bản nhập khẩu tôm trị giá 2,5 tỷ USD. Ước tính đến năm 2025, nhu cầu tôm của thế giới sẽ tăng lên 6.525.000 tấn.
Theo các chuyên gia, lý do người tiêu dùng thế giới gia tăng lựa chọn cá và các loại thủy sản nói chung vì đây là thực phẩm dễ chế biến, dễ nấu, giá trị dinh dưỡng cao.
Về chủng loại, người tiêu dùng có xu hướng tìm kiếm thủy sản tươi và các sản phẩm tiện lợi, dễ chuẩn bị và ăn được ngay. Nhu cầu thủy sản thế giới tăng cả về tổng lượng và bình quân đầu người chính là dư địa lớn cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam phát triển.
* Cơ hội với thủy sản Việt Nam
Để nắm bắt tốt cơ hội từ sự thay đổi xu hướng tiêu dùng, thủy sản Việt Nam phải tập trung giải quyết vấn đề căn bản từ sản xuất, chế biến cho tới tiếp thị và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Tiến sĩ Hà Việt Hùng, Trường Đại học Nha Trang cho biết, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong gần 20 năm qua, tăng trưởng bình quân đạt 15,6%/năm và trở thành một trong 5 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Trước đây, Việt Nam gia tăng xuất khẩu thủy sản bằng cách tăng sản lượng đánh bắt.
Tuy nhiên, với xu hướng hiện nay, Việt Nam cần tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản; đồng thời tăng cường khâu chế biến, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là với sản phẩm tôm, cá tra là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh.
Với mặt hàng tôm, ông Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Sao Ta cho rằng, nhu cầu tôm thế giới ngày càng tăng; trong khi đó, Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển ngành nuôi, chế biến tôm xuất khẩu nhưng thị phần tôm của Việt Nam tại các thị trường lớn rất khiêm tốn.
Nguyên nhân là do ngành nuôi tôm ở nước ta hiện nay chủ yếu phát triển tự phát, quy mô nhỏ lẻ, chưa có sự kiểm soát chất lượng đầu vào lẫn đầu ra của sản phẩm.
Điển hình nhất là sản phẩm tôm thường xuyên gặp vấn đề dư lượng kháng sinh khi xuất khẩu vào các thị trường khó tính, làm ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu cũng như xây dựng thương hiệu cho tôm Việt Nam.
Cùng quan điểm, Tiến sĩ Hoàng Tùng, chuyên gia của Cơ quan nghiên cứu khoa học công nghệ Australia (CSIRO) cho rằng, sản lượng nuôi tôm của Việt Nam tăng trưởng tích cực nhưng Việt Nam chưa thuộc tốp những nước nuôi tôm hàng đầu thế giới bởi giá trị xuất khẩu và hiệu quả sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng. Sự khác biệt giữa ngành nuôi tôm ở Việt Nam và các nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới là ở công nghệ sản xuất.
Theo Tiến sĩ Hoàng Tùng, muốn đạt được mục tiêu xuất khẩu tôm ở mức 10 tỷ USD trước năm 2030, Việt Nam phải có chiến lược phát triển toàn diện hướng đến tất cả các khâu trong chuỗi giá trị.
Theo đó, Việt Nam nên hướng tới mô hình nuôi tôm tập trung theo tiêu chuẩn hữu cơ và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để sản xuất sản phẩm chất lượng; tích tụ diện tích đất để cắt giảm chi phí đầu tư nhằm tối đa hóa lợi nhuận thu được nhưng vẫn phải đảm bảo tính bền vững.
Một sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam là cá tra được khuyến nghị phải làm tốt khâu phát triển sản phẩm và tăng cường tiếp cận thị trường mới.
Trước năm 2014, Châu Âu là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam, tuy nhiên vài năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam vào châu Âu có xu hướng giảm dần do chịu sự cạnh tranh của các loại cá tương tự.
Bên cạnh đó, phải nhìn nhận là lợi thế về giá cả của cá tra Việt Nam ngày càng giảm khi hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp chế biến cá tra Việt Nam còn thấp.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thông, trường Đại học Nha Trang cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh thương mại toàn cầu, Việt Nam phải tích cực tìm kiếm thị trường mới để giảm thiểu rủi ro khi phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.
Bên cạnh đó, phải kịp thời nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Một điểm yếu khác cần được khắc phục của ngành chế biến, xuất khẩu cá tra Việt Nam đó là phương thức tiếp thị sản phẩm và xây dựng thương hiệu.
Quan trọng nhất, muốn duy trì sự phát triển bền vững, sản xuất, chế biến cá tra nói riêng, thủy sản nói chung phải đáp ứng các tiêu chuẩn về mặt chất lượng và môi trường.
Các chuyên gia nước ngoài cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành giá trị xuất khẩu, trước tiên Việt Nam phải kiểm soát tốt môi trường và quy trình nuôi trồng thủy sản, cụ thể là chất lượng nguồn nước, chất lượng con giống, dư lượng kháng sinh, dịch bệnh nhằm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Với việc phát triển thị trường, Việt Nam phải xác định rõ khách hàng và phân khúc mục tiêu, tận dụng tốt thị trường ngách “đối thủ” bỏ qua.
Thêm và đó đầu tư xây dựng và tối đa hóa hiệu quả thương mại cho các thương hiệu thủy sản nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.